jeudi 23 juillet 2020

Những ngày yên tĩnh ở Midway City

Những ngày yên tĩnh ở Midway City

                                                                                   Cùng lăn không tiếng về nơi ấy
                                                                                   Tăm cá không còn cả bóng chim
                                                                                   Mai Thảo

Trong bản đồ, Midway city nằm lọt thỏm giữa thành phố Westminster. Đó là một thị trấn nhỏ xíu. Mỗi lần từ phố chính về nhà, trên con đường Magnolia, kẹt xe hay không kẹt xe, Huyên vẫn thấy hoài tấm bảng nhỏ :
                                               Midway city
                                                Welcome
                                               Population: 7000
Tấm bảng bất biến, thản nhiên, ngày này qua ngày nọ, tháng này qua tháng nọ. Từ ngày gia đình Huyên dọn về đây, hơn một năm rồi còn gì. Huyên vẫn chờ đợi vô vọng một bàn tay sửa con số. Không lẽ các cụ già trường thọ bất tử, chẳng có trẻ con sinh ra trong cái thị trấn êm đềm này sao? Không có những kẻ bỏ đi hay tới đây tìm sinh lộ mới ? Hay tấm bảng nhỏ muốn trấn an rằng Midway đã được phép mầu trở thành vĩnh cữu, là thành phố của cô công chúa ngủ trong khối thủy tinh. Nghĩa là những chém giết, thanh toán, những thảm kịch đều rơi trợt ra ngoài.
Huyên còn có một thói quen vô lý khác là tìm những đường ranh giới giữa Midway với vùng lân cận. Có lẽ là một cách giới hạn điều vô lý về sự hiện hữu của khối thủy tinh đẹp đẽ này. Midway city lại vô cùng hội nhập với láng giềng. ( Thêm một phương cách tự vệ hữu hiệu? Hoà nhi bất đồng?). Mỗi lần phải lái xe đi mua sắm gì, chỉ đến những siêu thị, những hàng quán như Kmart, Ole's, Lucky, Alpha bêta, Ralphs...Huyên ra khỏi Midway tự lúc nào, bỗng nghe bất an vu vơ, vội vã tìm về tổ kén cũ mà tấm bảng nhỏ kia là dấu mốc chính, vừa lướt qua là bật lên tiếng gõ thánh thót leng keng vui mừng trong đầu. Có đi lạc, loanh quanh vài khoảng đường sẽ lại thoát ra. Những con đường song song, những con đường thẳng góc, dễ như hơi thở, giản dị như nụ cười : Beach, Newland, Bolsa, Hazard, Brookhurst... Tất cả những món khác đều phức tạp, rắc rối...Chỉ còn những con đường, cứ thong thả mà đi đông, tây, nam, bắc; chẳng bao giờ có thể lạc tới tận Mexico hay Las Vegas. Những đứa em cam đoan như vậy, Nguyên an ủi : đường Mỹ hợp vô cùng cho những người dốt như em.

                                                                          *
Dạo trước, nhà còn ở vùng Fullerton, khu đại học, và gần các cư xá sinh viên, đường xá không ngớt xe cộ, người qua lại, cuối tuần càng ồn ào tiếng nhạc của tuổi trẻ hội họp nhảy nhót. Bây giờ, nơi đây, cũng các con đường song song và thẳng góc, nhỏ hơn, đôi khi bỗng thành đường hẻm cụt : Purdy, Madison, Hunter lane...như trong bàn cờ, nhưng đường im lìm, lặng lẽ. Những sân cỏ cắt sát, xanh mướt, những lối đi trơn tru, sạch sẽ. Buổi trưa nắng, bóng mát đổ từng vũng tròn nhỏ dưới những gốc cây phong ven lề. Lùi sâu vào trong, những ngôi nhà gỗ thấp cũng im lặng. Những trái cam, chanh nằm yên trên cành lá hay lăn lóc trên thảm cỏ, an toàn, sung sướng. Huyên nhớ miên man chùm mận non, những trái trứng cá đỏ mọng, những trái điệp đen dài, trốn rất kĩ, thách thức mà sợ hãi, đời chúng ngắn ngủi và đầy bất trắc vì bàn tay của chị em Huyên. Nhớ miên man, nhớ cồn cào, những trưa nắng trốn ra khỏi nhà đi hái trộm...
Khoảng giữa trưa, trẻ con Fullerton đi học về ngang nhà. Từng nhóm hai ba đứa, túi sách trên lưng, ríu rít như bầy chim con, nhẹ như gợn mây, thoáng một cái tan biến vào bên trong những ngôi nhà, đường nhỏ lại im lìm ngủ tiếp. Huyên thích đi bộ loanh quanh trong quả cầu thuỷ tinh Midway. Vì cái nắng gay gắt quen thuộc, những sân cỏ mời mọc, vì những ngôi nhà thấp hiền lành vì những cây palm đủ loại, như cây kè cây cọ, như cây thốt nốt, chà là, như cây dừa, cây cau. Ngắm những khóm hồng vàng đỏ, hoa kiểng riêng tư hay ở một góc đường cho người qua lại. Ngắm những chiếc xe hơi há mõm, mất cánh, què chân, trong sân nhà người Mễ, nghe những tiếng cười dòn dã của những đàn bà da ngâm ngâm, mập mạp, tràn đầy nhựa sống như những nhân vật của tranh Gauguin, Picasso. Trước nhà Huyên, bên kia đường, mỗi ngày người đàn ông Mỹ trắng đi làm về khoảng bốn giờ, mình trần mặc quần đùi, đùa giỡn, vật lộn với hai đứa con nhỏ trên bãi cỏ.
Xa hơn nữa, một ông Mễ già, người thấp nhỏ, lưng hơi còng, áo sơ mi trắng rộng, quần sậm dài, thùng thình, đầu đội mũ rơm rộng vành. Trưa nào cũng vậy, thay vì nằm khoèo dựa gốc cây, nón trệch xuống che mặt ngủ , ông già lui cui nhổ những ngọn cỏ lạc lối hay cày xới bón phân cho những khóm hoa nhỏ mọc dọc sân cỏ hay xúm xít dưới chân những cội cây to. Lâu lâu Huyên lại thấy ông lật cả sân cỏ lên để trồng cỏ mới và vài ngày là ông đẩy xe cắt cỏ không động cơ. Buổi trưa vắng, con đường nhỏ cựa mình vì tiếng rèn rẹt đều đặn của đôi bánh xe nhỏ thiếu nhớt.
Đôi khi Huyên chậm bước, lén quan sát nét mặt bình thản của ông, tìm một nụ cười, một chút băn khoăn trên gương mặt đen nắng hằn rõ nét thời gian. Tuyệt nhiên không một biểu lộ nào. Tiếng "hi" trả lời của ông thô nhám, gầm gừ như một tiếng ho khàn. Đôi mắt lạnh nhìn xuống, môi mím, khép chặt như đôi bàn tay thô sần sùi, khô khốc nắm lấy càng chiếc xe. Huyên không nhìn thấy gì. Không nỗi buồn lưu vong trong vành nón ngạo mạn, không cả cái chờ đợi bồi hồi trong động tác đều đặn, lập lại. Hay chỉ vì ông đã ngộ ?
Cũng như khi đi ngang sân nhà nọ, lúc nào cũng đầy những xe hơi cũ, dầu nhớt vương vãi, bánh xe nằm lăn lóc, nắp xe mở lên, chỗ chân rỗng, đầu xương gối lên hai tấm gạch, xe nghiêng hẳn mình và hai người đàn ông chúi đầu vào giàn máy, loay loay, bận rộn chơi trò tháo ráp. Dường như xe trong nhà luôn bệnh hoạn. Dường như cứ phải lặp lại chuyện hàng ngày để thấy đời sống có mặt và nếu chợt ngộ, sẽ tiếp tục đời sống, không đặt câu hỏi vớ vẩn.

*

Chưa...ngộ nên Huyên kỳ vọng được chuyển trao kinh nghiệm, được học phương cách, vì nghe đâu mỗi trường hợp "ngộ" là một cách tới khác nhau, càng biết nhiều càng ít ngộ...nhận. Vì chưa ngộ nên khi hỏi thăm tin bác Bảy, ba của Ánh, lúc ấy bác còn trong trại cải tạo, Ánh bình tĩnh, dịu dàng, an nhiên, không một chút oán hờn, chua chát, còn Huyên thì xôn xao, hoang mang tới cực độ, nghe mình như có lỗi. Nhắc tới ngày xưa, ờ ngày xưa, Ánh mơ màng, ờ sắp sửa được vé máy bay đi Luân Đôn, học bỗng của nhà nước Anh, thông hành, nghị định đã xong...Ừ, sắp làm lễ đính hôn, hai bên gia đình sắm sanh sửa soạn cho "hai trẻ"...Ừ, đùng một cái, ờ,...ầm một trận, ba mươi tháng tư bảy lăm tới. Ầm ầm một trận...hoà bình. Những ngày tháng sau đó, cứ phải ngồi xem xét mớ giấy tờ của một dĩ vảng rất gần, không sửa được thì đốt biến đi, thế là rảnh nợ, vài dấu mốc tan thành tro, cuộc đời sẽ trắng trong, trơn tru ! Ừ, tao ngồi soạn với ông già. Bà già đóng cửa trong ngoài, thằng em cầm quạt xua khói. Thỉnh thoảng, một tấm ảnh, một lá thư...níu kéo vài phút, mấy cái đầu chụm lại, hít hà, tiếc nuối. Tới tờ nghị định của bộ Giáo Dục màu vàng, tên Ánh nằm trịnh trọng, bên dưới là chữ ký tổng trưởng bộ giáo dục, thừa lệnh tổng thống v...v...Ánh ngần ngừ. Ông già giành lấy đốt, bà già vò đầu Ánh nói để rồi má sẽ đền cho cái khác, như mỗi lần má xử Ánh phải nhường em món gì. Ông già nói mai mốt ba kiếm tổng trưởng với tổng thống bắt họ kí cho con gái ba tờ nghị định khác. Ánh cười :
- Thế mà cũng không tránh được sấm sét, "đôi trẻ" bây giờ đã bạc đầu, con cái hai ba đứa mỗi bên, mà vẫn chưa tái ngộ. Tao vượt biên với thằng Sơn em tao hồi năm bảy mươi tám, bà già ở lại, quyết chờ ông già tới cùng. Hy vọng Tết con mèo, ông già sẽ được rời trại cải tạo về nhà, để khỏi phụ lòng bà già.
Tiếng cười Ánh trong trẻo, lạc quan, đôi mắt to đen như hai hột nhãn rạng rỡ và tin tưởng ở hiện tại và những dự phóng tương lai. Ánh đã ngộ, nhưng Huyên nào học được kinh nghiệm của bạn, có lẽ vì Huyên không có những buổi tối ngồi soạn giấy tờ để tỉa nhánh cây quá khứ, không có mấy mươi ngày lênh đênh giữa sống chết, không có những giây phút tủi thân vì những cái nhìn thương hại. Huyên cứ vậy mà suy để cuối cùng thở dài nhận ra rằng vì sao phải sống ngàn kiếp luân hồi. Muốn thu ngắn, phải phá vỡ bầu thuỷ tinh, đi tìm thầy học đạo. Nhưng bầu thuỷ tinh quá kiên cố. Huyên lại còn muốn khám phá những con đường và những khuôn mặt, muốn thấy những khoảnh khắc bừng sáng của từng trường hợp trong bầu thủy tinh. Còn thèm ăn phở. Còn hấp tấp, mê thấy rừng, nhưng vừa gặp cây đã dừng chân ngắm nghía và toan cất chòi sống mãi dưới gốc cây. Được chỉ trăng, Huyên thấy trăng và lưu luyến ngón tay thay vì lo uống trà thưởng trăng, Huyên lo lắng vì ngón tay run rẩy, Huyên tham lam : này ngón tay ơi, sau trăng thì người chỉ tôi cái gì ? Huyên tò mò : Người sẽ về đâu ? Tôi sẽ về đâu...
Nguyên không hiểu nên nói em ưa đốt giai đoạn. Thèm phở là đốt giai đoạn ?
                                                                            *

Nhớ phở, Huyên rủ Đức, rủ Ngọc ra phố Bolsa ăn phở. Ăn xong, quên phở Hiền Vương, quên bánh bèo bì Đa Kao của chị em cô chủ con nhà nho xưa thanh nhã, hiền lành, chưa quen nghề buôn bán.
Nhớ chợ Bến Thành, nhớ các sạp hàng vải, nhớ mùi thơm tơ lụa, Huyên ra khỏi Midway, chui sang Wesminster ghé vào tiệm vải X. Phần vì hôm nọ chị Trâm nói:
- Mày ngu lắm, muốn biết thế nào là một cái mũi sửa, hãy ra tiệm vải X. Mới cắt chỉ.
Huyên đến giữa trưa, chủ nhân đặt dĩa bánh cuốn xuống, vừa vồn vã chào mời như thể Huyên là khách quen, vừa vật ngã cây lụa to, cầm thước, cầm kéo lăm le như sắp cắt :
- Bồ mua thứ này nhe, hàng mới về, mốt (bolsa) năm nay đó, may vest đi, trắng như bồ, mặc màu này nổi lắm...tui lấy rẻ thôi...hay là thứ này, "xiu" thứ tốt, mặc mát...Hay là thứ này...bồ coi nè, vân nổi cùng màu lụa...mua đi bồ. Mua hai áo tui tặng cho một quần...Hay là mua loại này, gởi về Việt Nam, bán lại được giá lắm nghe bồ, ở bển bây giờ xịn lắm, xài toàn hàng này, mốt đó...
Ôi chao ơi, miệng bận nhai mà còn dẻo quẹo ! Huyên ngượng ngập vì bắt gặp quả tang mình đang nhìm chằm chằm vào cái mũi của người ta, nên lúng túng trả lời gượng gạo. Rồi hấp tấp mua vội vài món để chuồn gấp về nhà. Chị Trâm mở gói, hét tướng lên :
- Hai khúc vải ba yards, một đoạn hàng "tặng"...mà một trăm đô. Con này ngu thật. Mày có trả giá không? –i trời, tao quên dặn, hàng quán "người mình" ở đây y như bên Việt Nam, phải trả giá chứ...Thế nào, còn cái mũi ?
  - Cái mũi? Ừ, cái mũi ! à..à..
Huyên ấm ức, không biết phải giận ai.
 - A, cái mũi sửa, thì cao cao, nhọn nhọn, còn hơi đo đỏ, coi cũng được lắm, sao chị bảo rằng sửa hư ?
- Chỉ có từng đó mà trăm đô, chém ngọt thật...
- Sao? Chỉ có trăm đô? Bằng giá bên Việt Nam mình rồi ! Không à? Chị muốn mói sửa mũi trăm đô trả góp mỗi tháng?
- Không thèm nói chuyện với mày nữa, ngốc ơi!
Thế là Huyên hậm hực quên đi chợ Bến Thành cùng những sạp vải. Nhưng vẫn phải có những thứ khác để nhớ nhà, hay để khỏi nhớ nhà vì má Huyên nói, ở đây như ở bên nhà, chỉ khác là không có công an và không có những nhắc nhở kêu gọi nhức óc. Chị Trâm giải thích "tuyên truyền", Ngọc dịch" XHCN harassment" Đức cãi rằng đấy là những màn thôi miên tập thể "cùng tin tưởng ở xã hội chủ nghĩa bách chiến bách thắng". Là gì đi nữa muốn lũ trẻ vào trường Huyên phải đưa chúng đến bác sĩ chích ngừa bệnh, phải cuốn chả giò đem vào lớp học thằng bé con, để mớ chả giò bên cạnh những taco với apple pie làm nên cái "melting pot" tuyệt vời. Phải vậy chứ. Nếu chỉ đi chợ Sáng Sáng hay chợ Cửu Long nếu chỉ đi mall Quê Ta mua xôi chè cho má hay xục xạo tìm băng cải lương cũ cho ba thì làm sao (không) thấy nhớ nhà?

                                                                    *
Thứ bảy, chúa nhật Huyên đi chậm rãi qua những "garage sales", ngắm nghía những quần áo, giày dép, đồ chơi trẻ con, tranh ảnh, nồi niêu, máy móc lỉnh kỉnh không tên, bàn ủi, máy xay sinh tố, nữ trang giả, bàn ghế, dao kéo...trăm thứ bày ra hoặc trên bàn gỗ, trên ghế hay trên tấm vải nhựa trải lên sân cỏ với những tờ giấy nguệch ngoạc giá tiền hai đô la, ba mươi đô la, năm chục xu... Nhà khá giả hơn thì đồ đạc bày bán sang hơn, tốt hơn một chút...Người nào cũng vui vẻ dễ thương ung dung tự tại. Huyên thấy rõ mình đang ở một nơi khác. Muốn nhớ thì cho nhớ!
Như lúc ngắm xe đổ rác màu trắng, chậm chạp chạy ngang từng ngôi nhà, hai người công nhân Mễ nhảy xuống, bưng từng thùng rác nâu của mỗi nhà trút ngược những rác rến vào lòng xe, quẳng lại chiếc thùng rỗng. Nắp lăn một nơi thùng kềnh một nẻo. Má Huyên chép miệng. Bao giờ bên mình có những thùng rác, những xe rác như thế, hả ?
Bao giờ ? Chẳng lẽ mình chỉ có thể làm nơi chứa rác Nhật, rác quốc tế ( kể cả rác nguyên tử- đắc tiền hơn rác thường nhiều đi chứ, lại chả có mùi chi!).
Như lúc ngắm chiếc xe bán kem dạo ( "caution children"!) với tiếng nhạc êm tai mời gọi. Ông tài xế, cũng người Mễ, râu cá chốt, vui vẻ, hai con mắt nhìn thấy trẻ con rất nhanh. Huyên nhớ chú Năm cà rem xóm cũ với chiếc xe đạp cũ không thắng không vành, phía sau yên chú chở hai bình kem nằm trong hai vỏ mốp đen thui bị ràng, cột, chằng chịt với đủ thứ dây và vá chằng vá đụp bằng giấy nhôm, giấy nhựa cáu bẩn rất gớm ghiếc . Nhưng khi nắp mở ra, những cây kem đậu xanh, kem dừa, sầu riêng, trắng ngà, vàng tươi, tỏa hơi lạnh nghi ngút...Ngon thơm làm sao!.
Ngọc trợn mắt:
- Bây giờ nếu về Sài gòn, không dám ăn quà ngoài đường! Tụi mình ngày xưa có bao tử bằng sắt...
Chị Trâm triết lí rẻ tiền:
- Có thiếu mới thèm, mới muốn ăn. Còn nhớ mới muốn về. Quên hết rồi thì còn nói chi nữa? Để sống dễ dàng, trời cho ta cái sức "quên", mạnh kinh khủng nghe, quên ở mọi nồng độ. Quên tiệt, quên sạch sành sanh. Quên tình. Quên hoài bão, ý chí phục thù, quên gian khổ đã qua, quên chất độc đã nếm, quên lời hứa..., đến máu cũng quên tạo những kháng thể. Với lại, nơi này thiên hạ lắp ráp, chế tạo đủ thứ mới mà như cũ, còn thiếu gì hòng nói chuyện trở về ? Ăn với chẳng dám ăn, nhỏ này thiệt vô duyên.
Chị Trâm nói đúng? Vì lý trí sáng suốt hay kinh nghiệm bản thân cay đắng? Vì sao chị nói nơi này là quê hương, vì đồng bào đã tự tạo tất cả? Từ bệnh viện, văn phòng luật sư cho tới tiệm bánh mì thịt nguội, lò bánh cuốn thanh trì, tiệm vàng..v..v. Từ lúc lấy nhau, sinh con rồi về hưu, từ lúc mở cơ sở làm ăn cho tới khi đụng xe hay nhà bị cướp, đều có chuyên viên đảm nhiệm các dịch vụ, có khi chẳng bao giờ phải mở miệng nói một câu tiếng Anh, cứ như ở cái nước Sài Gòn rồi còn gì ? Nhưng ai cũng hiểu chị nói lẫy. Làm sao mà quên được, chỉ có thể quên giả vờ, quên tạm, quên chi tiết...
Sáng thứ bảy, quả tình Huyên quên hết vì đường phố dường như nhộn nhịp hẳn lên. Người đàn ông đùa với con trên bãi cỏ, vợ ngồi phơi nắng bên cạnh, máy cassette phóng tiếng hát Kenny Rogers rồi Dolly Parton. Xe kem gọi trẻ con inh ỏi. Trong nhà, mọi người đông đủ, dự thảo chương trình.
Chuyện ăn uống. Má muốn nấu cà ry gà, Ngọc muốn ăn canh chua, ba nhớ mì chệt, Huyên hết ham vào bếp. Đức hô ai muốn đi ăn tiệm giơ tay lên. Trẻ con giơ tay, có đứa nằm lăn để giơ cả chân : Nhà mười mống mà đến hơn hai mươi hai bàn "tay" biểu quyết. Chuyện giải trí. Ra biển nghịch cát ( trẻ nít), đi phòng trà ( những người đang yêu nhau), shopping ( mới lãnh lương ,vừa được tiền work study, tiền thuế trả về...). Huyên thích nhất giờ ngọ ; người lớn sửa soạn chén dĩa cơm nước, trẻ con xếp mền gối, rượt đuổi nhau. Máy truyền hình chiếu lại chương trình Việt Nam, có tin tức thời sự, có văn nghệ ca hát, tuyển lựa hoa hậu. Trong nhà, ồn ào tiếng cười giỡn, phê bình, ngoài đường tiếng xe, tiếng chó sủa, tất cả làm thành một ngày Việt Nam. Ồn ào quen thuộc mà có vương chút bất an.
Buổi chiều chủ nhật nhà vắng, chỉ dần dần lại đông đủ khi mặt trời xuống đỏ rực ở phía sau hàng cây palm, trẻ con từ bãi biển về, đầu khét nắng và quạu quọ. Ngọc ở thương xá về, tay nặng trĩu những áo quần, mặt mày vừa hớn hở vừa nhăn nhó, mua được cái áo đẹp, mệt qúa, phải thử hết tất cả áo của tiệm, hầu bao nhẹ hẫng...Chị Huyên thở dài bữa nay mập thêm nửa pao. Đường ở bên ngoài cũng thở phào, yên nghỉ.
Huyền ghét nhất ngày thứ hai. Bình thản vào ngày thứ ba, bắt đầu hy vọng ngày thứ tư, làm dự tính ngày thứ năm. Sẵn sàng ngày thứ sáu...và rồi quên mất ngày thứ bảy ra sao, chúa nhật như thế nào. Lại bắt đầu chờ đợi, chờ đợi một cái gì không có thật. Cho nên nhiều khi, Huyên phải bước ra ngoài, lang thang bay bổng trên những con đường nhỏ, trên những ngôi nhà ngoan ngoãn, để giật mình trấn tĩnh, toan tính đuổi bắt, tái lập quân bình. Sống.
Sống đời sống thủy tinh dù đôi lần gợn sóng. Thứ sóng nhỏ như buổi sáng, sự vắng lặng của những con đường bị ngắt quãng bởi những tràng tiếng chó sủa lây dài từ nhà này sang nhà khác. Đó là lúc người đàn ông nhân viên nhà bưu điện ghé qua phát thư đến và lấy thư đi. Đó là lúc chú bé Mễ mập thù lù chạy chiếc xe đạp nhỏ, mang chiếc túi có hàng chữ The Register mang đầy nhóc báo trên ghi đông. Chú phóng xe thật nhanh trên lề đường, rút báo cũng thật nhanh, ném đúng vào sân những nhà mua dài hạn. Tiếng chó ngắn và nối tiếp từng tràng theo xe.
Rồi có lần, buổi trưa và những con đường bỗng bồn chồn ngóng trông, Huyên ra ngồi trên thảm cỏ dưới bóng mát của hàng cây khuynh diệp thơm ngát, vói tay vò những chiếc lá cứng, dài, thon, đuôi nhọn, những chiếc hoa đỏ xinh xắn. Huyên chờ Hiệp, thằng em bồ tèo thuở nhỏ. Từ San Francisco tới. Chờ sốt ruột. Huyên làm như nó vừa đặt điện thoại xuống, năm phút sau nó phải có mặt ở Midway.
Có đến hơn mười năm chưa gặp mặt lại. Nhớ cặp mắt hí và cái miệng rộng. Mà cười một cái có duyên không thể tả. Cái thằng cộc cằn lắm, má kể, ngày còn nhỏ chuyên môn đánh chị giành ăn. Nhưng Huyên chỉ nhớ những lúc lẽo đẽo theo em đi "giang hồ". Phục lăn thằng nhỏ, làm luận bài nào cũng dưới điểm trung bình mà chơi trò chơi nào cũng "cừ khôi ", không thấy nó tập bao giờ mà ba vừa mua cho xe đạp, nó leo phóc lên chạy một hơi. Đứng trên cầu Bông "lông rông"xuống nước, nó lội như rái. Còn Huyên lẻn chui vào hồ nước mưa trong nhà không biết bao lần để dợt mà cho đến bây giờ, xuống sông, xuống biển, xuống piscine, gặp nước nào cũng chìm ắc ứ ! Làm chị mà sao Huyên cứ phải năn nỉ để được em cho đi theo, đi xi nê, đi bắt cá. Dĩ nhiên khi Huyên không còn ưa trò chơi con nít, nó cũng đổi thay. Khi nó thuê truyện chưởng, Huyên cứ phải bắt đầu đọc quyển hai, nó đọc quyển một, rồi trao đổi, xong cu cậu mang đi trả và thuê hai quyển tiếp theo. Huyên lại phải đọc quyển bốn trước quyển ba. Cứ thế cho đến khi hết sạch những bộ truyện để nó chuyển sang trò chơi mới, Ngọc không biết chuyện này nên cứ nhạo Huyên hay lẫn lộn về thời điểm thứ tự găp gỡ của Đoàn Dự và những người tình. Chỉ về thời điểm thôi hãy còn may. Huyên còn không hiểu tại sao Chu Chỉ Nhược làm thế này, Nhạc Bất Quần làm thế kia...Chưa kịp hỏi thì nó lớn một cái vù, ưa diện đẹp, lái suzuki đi xin chữ kí các nữ ca sĩ và tài tử sân khấu. Huyên không thèm đòi theo nữa.
Ngồi chờ em lâu quá, Huyên đếm xe qua lại. Trong đám xe, người thưa thớt ngang nhà đó có cả bà cụ già người Mỹ đã bán nhà này cho ba má Huyên. Bà lái xe thật chậm, xoay mặt nhìn căn nhà chăm chú cho đến khi xe chạy thật xa. Căn nhà ba mươi năm vui buồn của bà. Theo má nhận xét thì môt tuần bà chạy ngang đến hai ba lần, cái mobilhome của bà mới có hơn một tuổi nên bà chưa có kỉ niệm. Huyên sẽ nhân dịp này năn nỉ má đừng chặt bỏ hàng cây khuynh diệp tuyệt vời này.
Hiệp tới thật bất ngờ, Huyên cuống quít mừng rỡ. Anh chàng chững chạc lắm, mập ra lại râu mép coi chẳng giống ai. Vợ Hiệp cãi giống ba Tầu chị ạ. Rồi kể chuyện anh chàng một hôm đi siêu thị, nghe một ông cụ nói nhỏ với vợ:
- Bà coi cái thằng chệt này để hàm râu coi phát ghét !
Cả nhà cùng phá ra cười, đòi Hiệp cạo phéng đi. Vợ tủm tỉm kể tiếp :
- Anh ấy lại gần ông cụ : thưa bác, vậy mà vợ con lại khen con đẹp trai.
Khiến ông cụ giật mình xin lỗi rối rít...
Rồi thì dần dần Huyên thấy em vẫn như xưa hiền lành nhưng cương quyết, ít nói mà không điềm đạm, thích diễu nhưng diễu...dở. Vẫn dễ quạu nhưng tốt bụng và dễ quên. Hai đứa con nhỏ đứa giống bố, đứa giống mẹ, mẹ than" phá như giặc".
Huyên tiếc đã không có nhiều thì giờ chuyện trò với em khi gia đình Hiệp giã từ lên đường, nhưng Huyên biết chắc chắn em mình không bao giờ quên những chùm mận non chia nhau thuở nọ, những buổi "on đằn" tập thể. Phải không Hiệp, nhớ không Hiệp ?
Rồi những con đường nhỏ cũng trở về với đời sống thường ngày, thản nhiên an phận. Lâu lâu, chúng giật mình hốt hoảng vì còi hụ của xe cứu hoả hay xe cảnh sát. Xe cứu hoả, nhất là vào mùa hè. Xe cảnh sát, nhất là dạo có tên "serial killer" lưu động ban đêm. Một lần, trực thăng chiếu đèn sáng cả một góc trời, bên dưới, cảnh sát, chó cùng sục sạo làm náo động khu phố nhỏ. Má Huyên cuống quít : cửa nẻo khoá kĩ chưa, đếm xem đủ số con nít chưa? Bọn trẻ cứ chực đòi mở cửa ra xem. Sáng ra, Huyên thấy đường xá vẫn tĩnh lặng, thanh bình, không đợi
chờ, hi vọng, những ngôi nhà nhỏ vẫn hiền lành, che chở.

Cho nên khi "tâm vọng động", tim óc xôn xao thổn thức, Huyên lại bước ra ngoài, đi thật chậm, thật lâu trên những con đường nhỏ, nhìn những chiếc xe hư hay bóng loáng, nhìn người bố trẻ đùa với con trên cỏ, nghe những tiếng cười "vahinés", lắng chờ tiếng nhạc xe kem dạo, đợi tiếng đẩy rèn rẹt của xe cắt cỏ, thấy vành nón rộng của cụ già người Mễ...để thấy rằng hạnh phúc, sung sướng rất cận kề, rất dễ dàng thực hiện. Phải nhìn, nhìn, phải nghe
ngóng, hoà nhập vào những con đường, những căn nhà...Chắc chắn rằng chúng sẽ còn như vậy rất lâu. Trừ phi lúc đôi mảnh lục địa chuyển mình chồm lên nhau, nhưng khi đó...thì còn nói gì nữa!
Phan thị trọng tuyến
1990



Đi tìm Dora Maar.


Đi tìm Dora Maar.

Thà dọn mâm cháo gà lên bàn, rụt rè : « mời chị » nhưng đôi mắt đen đuôi dài lá rau răm dường như lại nói khác « Đi chỗ khác chơi ! Tui biết chị đến đây làm gì !». Tôi thất vọng, buồn bã. Mission này quả thật impossible. Như linh tính đã cho biết.
Nhưng tháng trước, khi tôi gọi điện ngập ngừng tỏ ý không muốn làm sứ giả, Lư năn nỉ suốt mấy ngày liền : « Chị giúp em, một lần này thôi. Còn ai khác có thể giúp được em ? Chắc chắn Thà sẽ hiểu chị …Em đau khổ và hoang mang quá sức…vân vân…và vân vân…». 
Cái linh tính vừa ngóc đầu lên bị lời đường mật áo não kia đè dẹp lép. Đáng đời.
Ai phóng lao mà bây giờ tôi phải theo lao !
Tôi loay hoay suy nghĩ, muốn bắt đầu bằng lời dịu dàng với Thà nhưng khi cắn miếng thịt gà dai như vỏ bánh xe vận tải, tôi đâm ra bực bội. Giận Lư. Giờ này chắc nó đang ngồi khề khà rượu nho nhâm nhi gà xé phay trộn rau răm nhưng lại luôn miệng chê thịt bỡ, dù là thứ gà gốc fermier Pháp được chủ trại cam đoan đã cho sống một đời 69 ngày đi rong, ăn toàn ngũ cốc thứ thiệt.
Và tôi là thủ phạm giết con gà trống già gốc Việt, vì mấy kì hè trước về, tôi còn thấy nó vác chiếc mồng rách thơ thẩn đi kiếm ăn quanh sân. Nên tôi đành cấn cơn bực qua Thà :
  - Sao bày đặt nấu nướng làm chi cho mất thì giờ ? Chị đã nói...
  - Ô, mấy thuở chị mới về ! 
Ngồi đối diện với tôi, Thiết cũng ăn cầm chừng. Mặt rạng rỡ, hạnh phúc. Nhân lúc Thà quay lưng, tôi gắp cái đùi gà đưa xuống gầm bàn. Con Luốt mừng rỡ chồm dậy ngoạm lấy và dong thẳng ra ngoài, ngoắc lia ngoắc lịa chiếc đuôi xơ xác trơ da, le hoe mấy sợi lông vàng. Chúc mi may mắn, con chó già ốm o. Lúc nãy, Thà nhất định chia cho Thiết và tôi đôi bánh chiếc xe chưa bao giờ thay vỏ ruột của con gà đã lên chức ông cố này.
Thiết nhìn tôi cười cười, hấp háy hai con mắt đen dưới đôi chân mày chữ nhất, như hai vết cọ Tàu cỡ bự - thứ cọ vẽ lá sen :
- Ông nội thôi !
Ông cố !
Cơn giận trong tôi tan biến. Thiết chớp mắt cười xin lỗi. Cái cười kềm chế của những người răng khểnh. Không phải chỉ con gái răng khểnh cười mới có duyên. Ba mươi năm qua, Thiết vẫn như xưa.
Thiết gật gù, và đôi mắt bỗng buồn hiu hắt. Anh đứng dậy hỏi nhỏ :
 - Bao giờ em đi ? Tối ngủ lại không ?
Và hạ thấp giọng hơn nữa :
 - Anh chờ em chỗ cũ...
Anh giơ chiếc đùi gà lên dứ dứ. Nói bằng mắt « nhớ nghe !».
Thà đưa tôi li nước vàng sẫm :
 - Chị uống đỡ nước trà. Dừa nạo em bẻ bán hết hồi tuần rồi. Còn được mấy cây mía, tụi nhỏ đang róc vỏ. Ngọt lắm, lát nữa chị ăn thử. Có cây ổi ...
 - Chị không ăn gì nữa đâu Thà.
Thà quay sang Thiết nói, giọng xuội lơ :
Anh ngồi chơi, về chi sớm vậy ?
Thiết lắc đầu, đi ra cửa.
Thà đành ngồi yên trên bộ ván. Những ngón tay đan xoắn vặn vẹo nhưng hai chân Thà thong thả đong đưa. Đôi gót chân tròn khoẻ, nứt nẻ chằng chịt đường đất bùn. Thà mặc một bộ đồ bộ lụa có lẽ xưa kia màu mỡ gà, in hoa hồng đỏ, những đoá hoa hồng giờ đây đã mờ nhạt, cành lá xanh cũng chỉ còn lại những đường gân nâu mơ hồ. Bộ quần áo như một hồn ma cũ vàng vọt, cố ôm trọn thân Thà. Một tấm thân đầy đặn, rắn chắc, tươi vui. Con nhỏ càng ngày càng đẹp. Tôi nhìn không chán đồi ngực vun, cái eo nhỏ xíu, vùng lưng dài với đường lõm cong mềm mở lên vòng mông tròn cao. Mắt tôi bị lôi kéo đăm đăm lén lút về ống chân thon bất tận, đôi bàn chân ngón nhỏ đều đặn xinh xắn đang reo hát. Thấp thoáng bộ đùi thon lẳn, dài ơi là dài. Đường biên lai quần đã mất, đám chỉ sổ hàng ngang dọc phất phơ theo nhịp đong đưa, Thà như đang hát thầm. Có lẽ hát theo các băng nhạc trong bộ máy ka ra ôkê tôi nhìn thấy nằm chễm chệ phiá trái bàn thờ. Như ba bức hình Lư đã cho tôi xem dạo nọ. Khi Thà biên thư, gửi hình báo cáo việc làm đám giỗ cho cha mẹ chồng. Một bàn tiệc mâm dĩa ê hề những chả giò, gỏi ghém, cà ri gà với cua rang muối, cơm bún, bánh mì, vân..vân...; bàn thờ khói nhang nghi ngút, mâm quả cam quýt, táo…tràn trề. Và bức hình thứ ba : bàn ăn đã dọn đi thay vào là « sàn nhẩy », ba bốn ông già đang ôm nhau « nhảy đầm » : những chú, cậu, bác của Lư, mặt mày bóng nhẫy, hả hê, vui vẻ có ông nụ cười không còn răng. Trong góc, một bà đang cầm mi crô, ngoẻo đầu làm duyên, miệng há hốc. Chắc chắn cả đám đang cà rà à ơi theo dĩa kara ô kê, điệu « anh là lính đa tình » hay « chiều nay một chăm phần chăm em ơi ! ». Tuyệt nhiên không thấy Thà.
Điện thư Lư đánh về nhà sau đó : Em làm giỗ quải đơn sơ thôi, để dành tiền nuôi con. Hồi còn sống ông bà già anh ăn chay trường. Và chỉ biết nghe cải lương.
« Phắt » hồi âm nhỏ nhẹ : Mâm đồ mặn cho mấy chú bác dùng. Trên bàn thờ toàn thức chay. Cậu Sáu với chú Tư có ca vọng cổ cho ba má nghe « xuân này con không về ». Mấy thuở mà mấy chú « khiêu vũ », cho dzui thôi.
Nhưng những báo cáo (mật ?) khác đến từ bà con hàng xóm nghe đâu còn nhiều chi tiết hơn những tấm ảnh. Nhiều sự thật hơn chăng ? Gián điệp tài tử cũng như nhà nghề, phất phới như lá mùa thu, ào ào quanh năm đi đi về về nước Việt và thế giới, một ít hoạt động như các NGO hoàn toàn vô vụ lợi, một số hành hương, một số hoặc để khoe khoang, hoặc trả nợ quỷ thần, hoặc giải trừ tật bệnh, ám ảnh.
Tôi rụt rè hỏi thăm, Lư lắc đầu yếu xìu, thở ra điệp khúc quen thuộc « thiệt hết biết ». Như tán thán từ chấm câu hay lời thú nhận bất lực ?
Thiếu dữ kiện để rút kết luận, tôi cũng đành« hết biết » !
Thượng, chị cả Lư, lồng lộn :
  - Li dị quách cho xong !
Rồi chị phất cờ qua Internet. Thế là những cậu, dì, chú bác khắp nơi xúm lại, kẻ đổ dầu, người tạt nước, kẻ dạy, người khuyên, kẻ làm mai mối, người chỉ vẻ thủ tục li dị và cưới xin cho Lư. Dường như chỉ mình tôi nhớ ra rằng bốn năm năm về trước, một người trong đám đó đã giới thiệu Thà cho Lư. Đa số hành động như những người đã hết biết yêu từ đời nào. Lư hoang mang, lo sợ (vì còn yêu, yêu nhiều nữa là khác...) nhưng thuộc nhóm « thiểu số ». Còn tôi, vì có bà con xa với Thà, thêm vào những chuyến giao dịch buôn bán hàng năm đều đặn, nên bị giao thêm sứ mạng đem « tối hậu thư » về cho Thà.
Đưa gói tiền cho Thà, tôi nói như hẹn lần lựa với chính mình :
 - Bên ấy gửi cho em. Khi bà con về hết, chỉ còn em với chị. Mình sẽ nói chuyện riêng.
Thà dạ nhỏ, giọng ngoan ngoãn, dịu dàng khiến tôi hơi mất bình tĩnh.
                                                 *
Tôi không nhớ mình đã nói gì, vì tôi nói quá nhanh và muốn quên ngay những điều đã nói. Đại khái hình như tôi khuyên Thà hãy nghĩ đến Lư ; bỏ qua phần kể khổ cho Lư- dự định nhằm kêu gọi lòng thương hại của Thà-, nào Lư muốn làm thêm cho dư dả tiền bạc, mua nhà cửa rộng rãi, rồi mới rước mẹ con Thà qua Mĩ, nào một mình Lư thân ròm đèo hai ba jobs, lãnh làm ca đêm ca xúp bất kể sức khoẻ thời giờ vân vân và vân vân, tôi nhảy thẳng qua phần hăm doạ. Thà ngồi khóc mùi mẫn, trước sau không một tiếng kêu oan khiến tôi hoang mang cùng cực. Đã hết thế kỉ hai mươi mà tôi còn đóng vai một bà cô, bà phán lạc hậu, nặng nhẹ mắng (vốn) nhiếc một cô Loan, cô Mai sinh bất phùng thời.
Thà co chân, kéo ống quần đầy bóng ma hoa hồng và xương lá lên lau mắt, hỉ mũi. Chiếc mũi nhỏ nhắn đỏ hoe, hai mắt đen to long lanh não nùng, đôi gò má Thà tròn trơn, trắng hồng như những trái mận vườn xưa. Con nhỏ thảm sầu mà đẹp như Sylvana Mangano thời « Gạo đắng ». Lư ơi, em chết là phải.
Nhớ chứ, tôi nhớ lời chị Thượng căn dặn :
  - Em cho nó biết : liệu hồn ! Nếu tai tiếng còn bay tới chị lần nữa, liệu sửa soạn dẫn con đi ăn mày. Thằng Lư sẽ kiếm vợ khác làm ăn. Thời này thiếu chi con gái, và con gái đẹp nữa kià.
Làm sao tôi có thể nói như vậy khi không có nỗi đau hờn của người trong cuộc. Mới quanh co nhẹ nhàng, nước mắt đã dâng tràn thế kia.
Lư ơi là Lư, em hại em mà liên lụỵ cả chị. Ai xúi biểu mà em cư xử như xì thẩu Singapour, Đài Loan hay Đại Hàn ? Buộc lòng rầy rà em như thế tuy chị biết rằng em không là một lão thương gia giàu có, thì hầu thiếp hương xa cũng như hầu bao phong bì, chỉ là những thức dọn đường cho hành trình toàn cầu hoá của lão, và điều quan trọng là em chỉ yêu mỗi mình Thà.
Thà vẫn khóc, lặng lẽ. Đứa con trai bụ bẫm ba bốn tuổi, trông giống Lư lắm, đứng ôm chân mẹ và nhìn tôi bằng đôi mắt hạt nhãn như mẹ, nhưng ánh mắt lung linh lửa ngọn. Bỗng không đâu tôi mua oán chuốc thù !
Tôi bỡ ngỡ lục vấn mình liên miên cả buổi chiều, nhưng ngay sau đó tôi lắc đầu, khoát tay bằng lòng. Nhẹ nhõm vì sứ mạng hoàn tất nhanh chóng ; thì ra không đến nỗi vô phương cách như đã tưởng. Xuống lưng cọp gọn hơ. Rồi lại tự hỏi : mình yếu đuối, hèn nhát ? mình bất bình, tội nghiệp Lư ? hay coi vậy mà cũng biết đạo đức giả như ai ?. Thôi đi, chắc tại trời nắng nóng và con gà bị hi sinh oan uổng. Coi như vậy cho xong.

Tôi băng qua vườn. Những chiếc lá mía nhám cứa vào da, reo hò tố cáo. Vườn xưa vắng bàn tay của hai ông nội ngoại, bây giờ như một khu rừng hoang. Cỏ voi, cỏ Mỹ, dây ô rô, cây dại cây leo níu chân, kéo cẳng. Kệ, mặc kệ. Một năm mới có một lần. Chết xuống âm phủ biết gặp lại được hay không. Chẳng lông ngỗng ghi dấu, thiếu những viên sỏi dẫn đường, tôi sẽ bị người khổng lồ ăn thịt. Tôi sẽ thành ngọc trai màu hồng khi được rửa bằng nước…sông xưa. Nỗi sợ cũ bây giờ trở thành chút bồi hồi pha lẫn liều mạng đầy kích thích. Năm nay đã khá hơn năm trước nhiều, và ăn đứt năm trước nữa. Cứ tiếp tục như thế đi, sẽ có ngày toại nguyện. Ý nguyện nào và từ bao giờ ? Đâu là dấu tích ?
                                                      *
Dấu tích cũ duy nhất còn lại. Là gạch nối mỗi năm. Là sợi tơ mềm treo chuông ngàn cân. Là Thiết đang ngồi tỉa từng hạt bông dừa ném xuống rạch. Tôi tưởng tượng anh ra Petit Poucet. Những viên sỏi trắng mất hút trong lòng nước đục phù sa. Không có đường về cho những đứa trẻ cãi lời mẹ cha. Thiết nhẹ nhàng lắc đầu khi nghe tôi nói ý nghĩ mình :
 - Những đứa nhỏ mồ côi rồi, em !
Cánh tay anh đã dám đỡ lưng tôi và ngưng đọng lại ở đó. Anh muốn nói gì. Những ngón tay anh nóng, khô. Anh đăm đăm nhìn tôi. Mỗi lần đều như lần thứ nhất. Đã ba mươi năm, đã bốn mươi năm, đã trăm năm... đã ngàn lần quen thuộc...
Lần thứ nhất ấy, một trăm năm về trước, anh dẫn tôi qua con rạch sâu thăm thẳm, đưa tới nhà nôi anh. Sang bờ rồi tôi xô, tôi phủi tay anh, tôi thè lưỡi, méo miệng, lé mắt chọc giận anh. Anh nhìn tôi, ngạc nhiên ngập đầy đôi mắt đen.
Không tức ư, tôi, dân Sài Gòn, sáu, bảy tuổi, mặc áo đầm trắng điểm hoa hồng, mặt tái xanh cơn sợ khi nhìn thấy con sông rộng nước đầy vun mấp mé bờ đất lở, tôi run rẩy lê giày xăng đan, nhích từng bước sắt trên cọng nam châm lỏng lẻo gọi là cầu khỉ, một tay nắm chặt thành cầu gồ ghề, và xấu hổ chưa, tay kia bám cứng tay anh mười tuổi. Nửa giờ đồng hồ để qua cây cầu tre bốn mét ! Xệ quá !
Rồi mỗi mùa hè qua, con rạch nhỏ dần đến sắp cạn, cầu thấp xuống và ngắn dần lại, bờ bùn thoai thoải đầy lỗ hang còng và cá thòi lòi. Đôi lúc tôi mặc áo dài tơ vẽ hoa, quần lụa trắng, tóc thả ngang lưng, đôi lúc diện áo thun hở cổ, hở tay, mini jupe, tóc ngắn hai ngọn nhọn ngoéo hai bên má à la Sylvie Vartan, một tay xách giày, một tay cầm khi mận, khi xoài, khi ổi, chạy bay qua cầu. Bấy giờ thì chạy bay qua cầu. Như con gái nhà quê. Hơn con gái nhà quê áo bà ba quần lãnh. Như con gái thành thị. An đứt con gái thành thị. Vì chẳng đứa nào biết lé mắt. Đứa biết qua cầu lại không biết mặc đồ đầm. Đứa nào biết hát như Brenda Lee I’m sorry, so sorry thì sức mấy qua cầu khỉ mà không bám vào ai hay không cầm tay vịn ?
Thiết chờ bên kia bờ, chớp mắt lo ngại. Nhìn tôi như James Dean nhìn Elizabeth Taylor trong Giants. Mà phia sau không có Rock Hudson. Và tôi nhìn lại Thiết như...tôi. Tôi ngày xưa hay tôi bây giờ ? Không có gương soi nên lúc nào cũng chẳng thấy mình.
Từ lần thứ nhất lé mắt với méo miệng, qua lần thứ nhì tôi mày tao với Thiết, và rồi anh với em. Một trăm năm như một tích tắc. Như giấc mơ. Như khoảnh khắc chu mỏ, lé mắt. Giận đó. Rồi quên. Rồi thương...
Hồi đó, mấy con nhỏ theo đạo « phu tử tùng tử » nghe được tiếng mày tao chạy vô méc người lớn. Bị rầy « sao hỗn hào vậy a con, phải kêu anh Hai, xưng em », tôi càng ghét cay ghét đắng Thiết. Tôi đứng xa, hướng mặt về Thiết, méo miêng, thè lưỡi và chu mỏ nói không ra tiếng « ê, mày, ê, mày »
Thiết gãi đầu gãi tai, cà rà quanh tôi. Rồi chạy biến đi năm mười phút. Một lát sau, nhào tới, khoe lồng chim chìa vôi. Tôi bĩu môi, lé mắt lần nữa. Thiết lắc lắc đầu, gãi gẵi vành tai, lại biến đi ; rồi xà tới đưa một chùm những cào cào, châu chấu, con đuông thắt bằng lá dừa. Ô, đẹp quá. Tôi hỏi trống không : làm sao ? Thiết ngoắt : đi theo anh.
Ra ngoài hàng dừa sát bờ rạch biên giới nội ngoại, Thiết hỏi : muốn anh leo cây nào ? Tôi chỉ cây cao nhất. Thiết vòng sợi dây nài vào hai chân, thoăn thoắt leo lên. Thiết vặn cổ mấy trái dừa nạo, ném xuống, tước một đám lá giắt lưng rồi tụt xuống. Những ngón tay thon lại thoăn thoắt đan xếp mớ lá xanh, phút chốc ra vô số những con vật ngộ nghĩnh. Thấy mà ham, nhưng khi Thiết sung sướng hỏi : "thấy anh giỏi không ?" Tôi lắc đầu nhìn lên cây dừa, bĩu môi : " Y như con khỉ đột ! ".
Hai con sâu rọm trên đôi mắt đen nhíu lại, gương mặt sáng lên nụ cười mỉm.
Ở nhà quê hai ngày, tôi bắt đầu nhựa với ngoại :" Ngoại ơi, kêu xích lô cho con về nhà ba má con ". Mấy bà dì trẻ nghe được, cười rộ : " Ở đây làm gì có xích lô, muốn đi xa phải cỡi còng nghe con, nhớ lựa thứ còng gió, chạy ba bữa tới Sài Gòn".
Tôi khóc thảm thiết khi Thiết dẫn tôi ra ngoài đồng, chỉ mặt mấy con còng gió xấu xí. Thiết đưa ổi, đưa mận, tôi phủi. Thiết chặt dừa, soi lỗ, gọt cọng sậy làm ống hút, tôi lắc. Mấy đứa bạn quê ngẩn tò te, nhìn nhau rồi cứ lẽo đẽo theo nhìn tôi, khiến tôi càng dấm dẳng.
Thiết rủ :« đi coi anh làm Tarzan ». Thiết lấy dao phay lội xuống rạch chặt một cành dừa nước thật lớn, tướt sạch dãy lá hai bên, giữ thân chính giữa làm sào.
  - Coi nè !
Thiết phóng gốc sào xuống rạch, tay giữ ngọn, miệng hú như Tarzan Johnny Weissmuller uà uá ua uá uà...uà, vừa lấy đà đu mình, chống cả hai tay lên sào nhảy tót từ bờ bên này qua bờ bên kia con rạch. Rồi uà uá ua uá uà...uà..., phóng trở qua bờ bên này, với nụ cười đầy răng trắng, đáp người sát bên tôi. Tôi mê quá, lập tức chùi khô mắt mũi.
Thiết vừa nhảy trở qua lần nữa, tôi chộp lấy cây sào. Cũng lấy đà, cũng phóng ngang, nhưng không uà uá ua uá uà...uà, vì lỡ đã khóc hơi nhiều, tiếng rè không thoát khỏi cổ họng. Nhưng chân ngắn, sức yếu, tôi tòn teng giữa con rạch. Cây sào lơ lững chỉ chực lún xuống bùn chứ không chịu ngả ngọn qua bên kia bờ. Mấy con nhỏ nhà quê chánh cống nhà quê ôm nhau cười ngặt nghẽo. Thiết nhào xuống nước vừa hú vừa đẩy sào -và tôi- rạp sang bờ bên kia. Hoa nở rộ trong tim tôi.
Mỗi mùa hè Thiết đều có dịp cứu bồ như vậy.
Cả đám con nít rủ nhau ra dựng chòi lá làm nhà ngoài khoảnh đất miếng biền. Tức là chỗ đất có mương tôm của ngoại, cắt ngang con rạch. Bên kia rạch, qua cầu và hai bờ mương với khoảng vườn rộng, là nhà nội Thiết.
Thiết dẫn tôi đi câu, bẫy bắt cá thòi lòi, cá lòng tong, cá lìm kìm hay dế cơm, dế nhũi, cào cào, châu chấu, đi bắn chim, đi lượm dừa, đi bẻ trái này, hái trái nọ. Đi xem nội uốn kiểng, tháp cây ăn trái, xem ngoại chiết cành, lựa hột cây ươm ...
Dần dà, tôi không nghe mình đòi ngoại gọi xích lô về Sài Gòn nữa. Đêm nhà quê không còn quá dài, những con ma chẳng còn dữ dằn, đáng sợ.
Mấy chục năm sau, năm kia, tôi hỏi anh nhớ gì về ngày xưa ấy.
Thiết nói : 
  - Nhớ lần đầu tiên em về quê. Anh thấy em ở nhà ông Năm.
  - Em mới có hai tuổi. Anh bốn tuổi. Thành đồng hoá thần đồng khi nào ? Xạo !
  - Không, lần nghỉ hè đầu tiên.
  - Em sáu tuổi ! Nhưng sáu tuổi em đã...giống con gái đâu ?
  - Ừ, vậy mà thấy thương liền !
  - Biết gì đâu ...làm sao...thương được...kì vậy ? Xạo !
Thiết mười một, mười hai tuổi mơ làm Tarzan và biết yêu. Thiết không dám hỏi còn tôi thì sao. À, còn tôi ? Sao tôi chỉ nhớ Thiết nghĩ ra trò chơi này, sáng chế trò chơi nọ. Hình như tôi luôn luôn là cái bóng lặng lẽ bám lưng anh.
Có phải khi trong đại gia đình họ Phan xảy ra chuyện dì Ngà với cậu Tửu, mới nẩy sinh những câu hỏi cho hai đứa ?.
Thật ra, trong gia đình không ai tỏ vẻ giận dữ hay rầy la đôi kẻ tội phạm ấy.
Cậu Tửu con ông bà Sáu, học ở Sài gòn, hè về quê chơi như chúng tôi. Dì Ngà của tôi là cô của Thiết, và là... con út ông bà Ba, dì học xong bậc tiểu học, về ở vườn luôn, chờ lấy chồng. 
Ông Ba với bà Sáu là em của ông ngoại tôi và ông nôi Thiết. Chỉ có vậy mà ngày ấy tôi rối mù. Thiết chậm rãi giải thích : mình có chung một ông cố. Các ông bà nội ngoại chúng tôi là anh em ruột thịt, các dì cậu là chị em cô cậu bạn dì với nhau. Mỗi lần giỗ cố ở nhà nội Thiết hay nhà ngoại tôi, hai đứa tôi vẫn phải khoanh tay chào thưa vô số dì, mợ, cô, chị. Nhiều không kể xiết. Về sau, lớn hơn, tôi mới hiểu vì sao không thấy nhiều cậu, chú nhiều bác, dượng : đa số đều đi tập kết hoặc « vô bưng », một số ít lên tỉnh làm chi mà ít khi thấy về vườn.
Để cho tôi khùng lên, nhà bà Hai, nhà ông Ba, ông Tư tức là ông nội Thiết, ông Năm, tức là ông ngoại tôi, nhà bà Sáu đều có năm sáu con, vừa trai vừa gái, mỗi người con lại sinh đẻ ngần đó ...Đi nhà nào tôi cũng phải khoanh tay thưa dì Hai, dì Ba, dì Út cậu Út hoặc mợ Hai, dì Năm, mợ Sáu vân vân, con mới ở Sài Gòn về nghỉ hè.
Mỗi lần về quê, má tôi kiên nhẫn giải thích. Bắt đầu bằng người già nhất : bà Hai Thăng là chị cả, mẹ dì bé Hai; tên tộc dì bé Hai này là Thuý nhưng ai cũng kêu là hai Thí. Nhưng khi tôi quả quyết khoanh tay, chúm môi, phát âm theo sách vở dạy « thưa dì Hai Thúy » thì mọi người cười rộ, và tôi bị má rầy sau đó ! « Thưa dì Hai đủ rồi, con bày đặt kêu tên người lớn, là hỗn nghe con ! ». Không ai khen con nhỏ này nói đúng chánh tả ! 
Trẻ không được gọi tên người lớn, trong khi các bà già đều đặt tên con bé Hai với bé Ba, bé Tư ... thì (tôi) tính sao cho ra hở trời ?. Nhiều khi, tôi nghi những « bé » này tự họ không ai biết tên trên giấy khai sinh của mình.
Cho nên tôi với Thiết đặc biệt lén phá lệ phạm huý với dì Út Ngà và cậu Năm Tửu.
Ông bà Hai (Thăng) là ông bà ngoại con Sáng, thằng Láng (là hai đứa bạn chuyên đi bắt dế cơm với tôi). Má của Sáng Láng là dì Sáu -dượng Sáu đã tập kết với cậu Ba là cha Thiết- Trong nhà ông Ba (Thưởng) tức là ông nội Thiết, ngoài dì Hai và mợ Ba là vợ cậu Ba tức là má Thiết, tức là dâu ông Ba, còn có dì Tư, dì Sáu và dì Út …Ngà; ông Ba cũng là anh ông ngoại tôi, là bác Ba của má tôi ...vân vân và vân vân. Bà Sáu là em ông...Bảy và là em của hai ông nội ngoại của hai đứa tôi. Gia đình ông bà Sáu Út cũng có …Dì Hai, mợ Ba, cậu Tư, cậu Năm và cậu Năm Tửu, dì Sáu, cậu Bảy… A, cậu Tửu...
Ay là chưa tính mỗi ông cố, ông nội, giàu sang hay có chút học thức đều được quyền có thêm vợ bé. Các bà bé sinh ra dì Hai, cậu Ba, dì Tư …dì Út. Má tôi rầy :
 - Phải nói ...bên dòng thứ. Rồi ngoại lớn, ngoại nhỏ. Con sao tối dạ quá, dạy hoài vẫn không biết.
Tôi cằn nhằn vì bị rối rắm hơn nữa sau khi nghe má tôi kể : ngày xưa vì bà ngoại tôi bị bệnh khá lâu, má tôi còn nhỏ, được mấy bà chị của ông ngoại, bà ngoại thay phiên đem về nuôi vài bữa vài tuần gì đó nên má tôi gọi các bà dì, bà mợ bà cô bằng má Hai, má Tư, má Năm. Đã vậy, đôi khi bà đông con tặng bớt con cho bà ít con. Bà có con hay bệnh gởi con cho bà đầy con khoẻ mạnh. Mẹ ruột mẹ gan, má thiệt, má giả, con nuôi con vú, con giả, con thật, cháu thật. Út Một, Út Hai, Út Thôi, Út Nữa…Khi Thiết cười cười : anh cũng có má Hai, má Ba ...thì tôi kêu stop.
Năm nào má tôi cũng kiên nhẫn giải thích, và năm nào tôi cũng chỉ mang máng ghi nhận vài thứ tự trên dưới ngang dọc khi sắp sửa khăn gói về thành thị. Lần về quê sau lại thấy mình đã quên sạch những rễ cái rễ con gia hệ. Tối dạ ơi là tối dạ.
Đám giỗ năm đó vui và ồn ào như mọi khi, nhất là cho bọn con nít chúng tôi. Nhưng tôi tình cờ nghe người lớn xầm xì với nhau chuyện dì Ngà bỏ nhà ra đi.
Mợ Ba, má Thiết nói với má tôi :
  - Ở ngoài Bắc chắc làng xã bắt gọt gáy bôi vôi, trói bè bỏ trôi sông, cho chết, hén cô Tư ?
  - Chị Ba nè, đâu mà dữ vậy. Chừng nào ngoại tình kia kià và hồi thời Tự Lực văn đoàn. Bây giờ dân mình văn minh, bớt khe khắt rồi !
  - Uả ? Không có hình phạt gì sao, tui tưởng…?
  - Trời hành thôi, đủ rồi.
  -  À, phải rồi trời sẽ phạt cho làm ăn không khá. Ừ, loạn luân sẽ đẻ con đui què sứt mẻ, câm, lé, dị tật ghê gớm lắm.
  - Ông bà, tổ tiên người mình vẫn biết vậy nên không cho con cháu cô cậu, bạn dì trong gia đình lấy nhau. Mình khác người Tàu chỗ đó.
 - Tội nghiệp, vái trời cho tụi nó đừng có con !
Nỗi lo sợ trong tôi chỉ lớn dần vài năm sau, khi dì Ngà đưa con về thăm gia đình. Đứa con gái của dì oặt oè oặt oẹo như không xương sống, tay chân thiếu khớp, quều quào, lặc lè lủng lẳng quơ bắn ra tứ phiá, nếu không được ai đỡ cổ, đầu nó cứ gục xuống ngực, ngửa sau lưng, hoặc ngoẻo sang bên vai này rồi bên vai kia, hai mắt to trợn trừng, miệng lúc nào cũng nhe như cười, nụ cười ngu ngơ, méo mó, nhiểu nhảo nước bọt, hàm hô chìa ra hai chiếc răng cửa to bản dài như răng thỏ, những răng khác lại nhỏ xíu như răng chuột. Như tôi thấy nó về sau này trong đám trẻ con vùng Minamata.
Hình phạt quá nặng. Mà Dì Ngà trắng như ngà, lành như bột. 
Mỗi lần tôi lấy ngón tay trỏ quẹt lọ nghẹ dạy mấy đứa bạn làm mắt lé :" Để ngón tay nơi đầu mũi. Xong chưa ? Nhìn chấm đen, nè nhìn hoài chấm lọ, đẩy ngón tay lên từ từ, rồi nhìn theo ngón tay...". Dì Ngà nhăn mũi, nhắm nghiền đôi mắt đen, nhíu đôi mày cong, quay mặt chỗ khác, kêu trời kêu đất bảo tôi ngừng. Dì sợ « dây gân nó tuột là con sẽ bị lé luôn đó ». Khi giọng dì nghẹn ngào sắp có nước mắt, tôi mới ngừng. Trừ Thiết ra, đứa nào cũng sợ gân mắt « trật vuột thiệt» nên mãi về sau vẫn chưa biết lé mắt như tôi.
Dì Ngà qua nhà bà ngoại tôi mỗi tháng đôi ba lần cùng bà ăn chay. Khổ cho dì là trong một dịp cậu Tửu cũng nghỉ hè về quê, cậu âm mưu với tôi, lén bỏ vào mỗi chén một khứa cá kho trước khi Thiết xới cơm cho bà ngoại với dì. Rồi cậu nói huyên thuyên, đánh lạc hướng. Khi cả hai ăn chạm phần cá, bà ngoại tôi la làng chói lói, dì Ngà phụng phịu, nước mắt vòng quanh, chạy ra lu nước mưa súc miệng phun phèo phèo. Tôi biết dì thương cậu từ buổi đó. Tôi hỏi Thiết. Cứ thương nhau thôi đủ rồi, sao bày đặt rủ nhau đi trốn chi vậy kia ? Đã bảo tôi thuở đó tối dạ vô cùng !

Nhưng sau đó hầu như Tết, giỗ nào dì cũng một mình ẵm con về thăm các ông bà. Chưa lần nào tôi thấy ai nặng nhẹ với dì. Và ai cũng thương con bé Bún, ưa nựng nịu hay lau miệng mũi nó.
Tôi không nhớ tôi...bắt đầu lo vào mùa hè nào. Tại sao lại lo ? Thiệt không ? Hồi nào ?
Thiết cười cười :
 - Hết hè mà nhớ hoài hai con mắt lé !
Tôi hỏi sang chuyện khác : 
 - Dì trốn ở Sài Gòn hả anh ?. Sao không thấy hai người tới nhà em ?.
Những thắc mắc bên lề lúc đầu. Về sau thì vô đề trực khởi.
- Có gì thì ...không nên « ngủ chung », phải không, để khỏi có con như dì Ngà, cậu Tửu. Phải không anh ?
Hai đứa ngoéo tay liền tức khắc. Dễ ợt. Dễ như ăn xoài non, khế tàu, chùm ruột chấm muối ớt. Dễ ợt được bao lâu ?
Những cái ngoéo tay thuở nhỏ. Còn hơn đinh đóng cột. Sau này thành cọc gỗ đóng thẳng vào tim. Như Dracula, khỏi cần chờ thấy mặt trời, hoá bụi là cái chắc !
Những ngày hè càng về sau càng ít vui, không phải chỉ vì chuyện thi trung học bị bãi bỏ. Tại tôi sợ thi mà ham đậu. Ngược đời chưa ? Hay vì chuyện con Đốm của ngoại tôi đã bị người ta xin làm thịt vì « tối nó sủa quá » ?. Có phải tại tôi nhìn quá gần con bé Bún ? Hay vì vào năm đó, một bữa ông Ba nhậu rượu ở nhà người quen, buổi chiều hát nghêu ngao mò mẫm về nhà, chân nam chân chiêu ra sao lại té lọt hầm chông ngoài đường cái ? Dì Ngà khóc ơi là khóc. Con Bún quơ tay quơ chân cười ngu ngơ, vừa ho, sặc vì nước miếng chảy ngược cả vào tai, vào mũi. Cả nhà xúm xít quanh ông Ba nằm trên bộ ván ngoài, bỏ nó một mình trong buồng. Mợ Ba, má Thiết dặn tôi « con vô ngồi chơi canh chừng em, sợ nó trườn ra ngoài, té ». Dường như bà cố ý bắt tôi ngồi bên con bé ấy suốt tối đó và cả ngày hôm sau nữa, cho đến khi mọi người đưa ông Ba xuống ghe chèo ra bệnh viện thị xã. Chứ Bún nhích được tới đâu mà té ?
Té xuống sông, té từ trên ván xuống đất, té từ trên cây dừa, cây xoài, v..v.., tóm lại, tất cả những thứ « té » thiên nhiên này đều không là gì cả bên cạnh « té hầm chông ». Nhất là khi những thân tre chuốc nhọn trong đêm lửa dừa thơm ngát+ lửa hận ngùn ngụt, lại xuyên qua bụng, qua chân người thân. Dĩ nhiên, khi chúng xuyên qua thân Mĩ, Ngụy thì không ai thèm tội nghiệp. Ít ra là ngoài mặt. Nhưng tôi chưa lần nào thấy được tận mắt bọn Mĩ Ngụy lọt hầm chông. Cũng may, ông Ba say mèm nên ít đau hơn người trong nhà. Bàn chông tre nhọn hoắt chỉ cắm xuyên suốt bàn chân và bắp chân trái cùng một bên thịt mông ông chứ không đâm trúng chỗ nhược.
Thiết chạy ra chạy vào, nói nựng, chùi mặt mũi bé Bún, đem cho tôi món này, món nọ. Tôi đọc truyện Ngọn cỏ gió đùa, nhưng những hàng chữ nhảy lung tung, tôi cắn vào những trái cây non nhưng chỉ thấy cái cười ngu ngơ nhớt dãi lòng thòng và đôi mắt trợn trừng.
Tôi thương dì Ngà lắm, vừa bất bình vừa e dè những « quả báo ». Dì có tội nên ông Ba phải lãnh quả báo !
Càng suy diễn, tôi càng sợ mợ Ba sẽ …té hầm chông hay sẽ bị bất cứ hình phạt nào khác. Lỡ ra, ai lo nấu cơm cho Thiết ăn ?
Sau này tôi đổ thừa «Tại anh ngu». Thiết gật gù nhận tội nên tôi lật đật sám hối :« Không, hồi đó, hai đứa mình đều ngu quá trời ».
Lần găp cuối trước khi xa nhau đằng đẵng mười lăm năm, hai đứa còn ngu không ?

Lần đó, Tết cuối cùng gặp nhau, Tết Mậu Thân. Tôi về quê, từ trước ngày cúng giao thừa. Về bằng xe gắn máy honda. Tết ngưng chiến mà. Hơn nữa, ngoại nhắn « mấy ảnh nói ngưng bắn thiệt ». Ba má tôi đành phải xiêu lòng, căn dặn « sáng mùng một , con phải xin ngoại cho con về trở lại Sài Gòn». Tôi dạ, nhưng trong bụng quyết định chỉ về một ngày trước khi tựu trường. Thiết đã nói « Tú tài một dễ ợt, đừng lo »
Tối ba mươi, hai ông nội ngoại ngồi đếm tàn quân nơi lò đường. Năm nay, chỉ có Thiết và tôi về quê ăn Tết. Kể từ Tết năm Tị, năm Ngọ rồi năm Mùi, đám con cháu tản mát khắp nơi không còn về đông đủ. Vì những bàn thờ, lư hương quá sơ sài, tạm bợ ? Vì nơi lò đường cũ này, không phải quê thiệt và quá nhiều cư dân xa lạ, tuy tất cả đều đến từ những khu vườn tan nát ?
Từ Cần Thơ về đây trước tôi hai hôm, nhưng Thiết không chịu theo mợ Ba về tận trong vùng quê thứ thiệt. Anh cầm nắm giẽ, ngồi chùi miết chiếc honda. Thỉnh thoảng vươn cổ nhìn tôi, hai mắt long lanh. Mợ Ba ngày mai mới chèo xuồng ra đây. Thiết nói mợ Ba ở nán canh mấy nồi bánh tét, bánh ít nhưn dừa, nhưn đậu. Quà Tết cho ba má tôi và « bà con ở chợ », những người thiếu thì giờ, thiếu lá chuối, thiếu dừa, thiếu nếp, thiếu nơi chốn thiếu không khí, nên không thể gói bánh nấu cúng ông bà.
Hai đứa muốn lắm nhưng không được phép vào tận làng quê khi không có người lớn dẫn lối. Mìn bẫy phá đường, bom đốt vườn cắt sông, lấp rạch. Trong năm, ngày thường không bên nào ngưng bỏ bom hay bắn đại bác, bắn pháo với mọt chê.
Hai ông già nói rồi, đố ai dám cãi, kể cả hai đứa cháu lì nhất. Chiếc honda càng lúc càng sáng choang và Thiết cứ nhìn tôi đánh morse. Đánh hoài ba chữ S.O.S.
Không được về vườn, ở đây làm gì hở trời ? Hai ông già đi ra đi vào, lóng ngóng chẳng có việc gì để bận bịu, thấy tội nghiệp. Tôi nói với Thiết : Không vô vườn được, chiều mai em về Sài Gòn. Đi với em không ? Thiết lắc đầu. Hai đứa ngồi ăn mứt gừng, mứt dừa nghe hai ông già nói chuyện nắng mưa và chuyện thời đánh Tây.
Gần sáng, sáng tinh mơ, năm mới tinh mơ, vì mới một giờ rưỡi sáng, đạn, pháo từ đâu đổ vào thành phố Bến Tre. Về sau, tôi mới biết, từ sáng đó hay từ đêm giao thừa, cả « nước» Sài Gòn bị đánh thức bằng tiếng súng.
Các gia đình hàng xóm, hai ông già tom góp của cải, tiền bạc, lùa con cháu bỏ nhà chạy ra ngoài lò đường. Những cỗ máy nấu mía làm đường ngưng chạy từ hai ba năm nay, bắt đầu rỉ sét và có lẽ đã « bị đem bán ve chai » nên lò đường xưa với những mặt tường gạch cao và dày với mái ngói trở thành hầm trú ẩn kiên cố. Những con mắt ngái ngủ ngồi sát những mé tường, những tiếng nói thì thào. Những người đàn bà ôm những đứa trẻ, đứa nào cũng ngoan ngoãn, không một tiếng khóc, không một lời nói cao giọng. Mọi người như đã quen thuộc lắm với tình trạng này. Thiết ngồi cạnh tôi, thì thầm « ừ quen rồi, mỗi khi có bom hay pháo kích, mọi người đều chạy ra đây ». Ánh sáng hoả châu vàng rực thỉnh thoảng loé lên, xuyên qua những ô cửa sổ soi lần lượt trong vài khoảnh khắc từng tấm lưng, từng khuôn mặt. Những gương mặt lạ quen ấy đều câm nín hoặc thì thầm nhỏ nhẹ như sợ tiếng nói mình có thể thu hút hay làm chuyển hướng bay của mọi thứ bom đạn đang ầm ầm nổ liên tục ngày đêm nhưng bên ngoài bờ tường dầy. Tôi yên lòng nhìn thấy rõ những sợi râu trắng cước của ông Ba và mái tóc quăn màu trắng xám của ngoại.
Thiết có mái tóc như ngoại tôi, dợn sóng. Ánh mắt và bộ tóc Chiêm Thành, và màu da trắng sáng của mẹ. Tôi dần dần quen với tình thế mới, ngồi bó gối ngủ thiếp.
Khi các tiếng nổ đến quá gần. Tôi bị xốc dậy, bị lôi chạy theo mọi người.
Chạy vào một ngôi nhà hay trường học, công thự xưa kiên cố gần đấy và đổi chỗ theo chiều hướng tiếng nổ, thật ra chỉ chạy loanh quanh không xa vùng nhà cũ.
Một ngày, hai ngày ? Một đêm, hai đêm ? Tôi không biết vì khi thức dậy lần nữa, Thiết và ông ngoại tôi đi đâu mất tự bao giờ. Bên ngoài những tiếng nổ vẫn còn. Những vuông trời xanh ngoằn ngoèo đôi cột khói. Chợ Bến Tre cháy mãi chưa xong. Nghe nói cầu Cá lóc, cầu Cá trê gì đó đã sập. Dinh tỉnh trưởng đã cháy rụi. Đài phát thanh không còn.
Tôi ngồi lặng bên ông Ba, bên những người khác, trong một ngôi nhà khác. Vẫn không ai nói với nhau lời nào. Xung quanh, lần lượt đến rồi đi những ông bà già xa lạ. Những người thiếu phụ bơ phờ với những đứa bé ngoan ngoãn một cách bất bình thường. Tôi lơ đểnh nghe radio, dường như đôi lúc là đài Mặt trận Giải phóng, đôi lúc đài Sài gòn, vì những tin tức cũng như những bản nhạc, bài hát khác hẳn nhau. Hai bên đang nói về chiến thắng. Địch đang bị tiêu diệt. Ngoại với Thiết thỉnh thoảng lẳng lặng rời chỗ trú và trở lại với một ít bánh trái. Đêm và ngày nối tiếp, giống hệt nhau.
Ông Ba kiên nhẫn dạy tôi nhận mặt từng thứ tiếng nổ. Nổ dòn cốc cốc. AK 47 đó con. Rống như vậy là súng liên thanh trực thăng bắn xuống đó con. Từng tiếng rời là bá đỏ, các bin, cái này là M16. Đó, đó là đại bác, cái kia 122 li, B40. À, ình ình tức ngực như vậy là B 52. Máy bay bắt đầu bỏ bom rồi đó. Tôi đảo mắt tìm. Thiết và ngoại lại đã ra ngoài. Và sao lần này lâu ơi là lâu. Ông Ba tiếp tục bài giảng.
Những thứ tiếng nổ vẫn chồng chất, nối tiếp nhau, đêm về rời rạc, thong thả. Nhưng không bao giờ ngừng nghỉ.
Gần thuộc lòng tiếng chiến tranh thì tôi thấy ngoại với Thiết về.
Thiết giơ cao mấy đòn bánh tét : « đánh nhau giữa Tết thì không ai bị đói ». Tôi vừa giận, vừa sợ. Hai con mắt xin lỗi « anh về đây rồi mà » khoe chiếc xuồng con cột dưới bến, chiếc xe honda nằm kềnh càng giữa lòng ghe, ló gọng ló yên dưới manh chiếu rách. « Phải có xe em mới về được Sài Gòn ». Thì ra Thiết với ngoại quay ngược về chỗ cũ tìm thức ăn, và nhất là « cứu » chiếc honda.
« Yên yên rồi con », hai ông già trấn an đứa cháu nhỏ.
Đến trưa, khi tiếng nổ bớt dồn dập, Thiết rủ tôi chạy về nhà lấy nốt đồ đạc. Ông Ba ngần ngừ muốn đi theo tìm mớ giấy tờ bỏ quên. Tôi vội vã : " Anh Thiết tìm giấy cho ông và con cần tắm, thay quần áo. ". Tôi hiểu nỗi ám ảnh dày vò ông. Ngày xưa, hồi « thời chín năm », người chủ cũ không lương thiện của khu vườn nhỏ, đã đòi ông trả tiền lần nữa sau khi tình cờ biết được ông Ba đánh mất văn bản khế ước chủ quyền khu vườn lúc chạy trốn lính Pháp ruồng bố. Khu vườn này, má tôi, các bà dì vẫn gọi là « miếng đất mua hai lần »
Hai ông dặn dò phải cẩn thận. Đoạn đường trở lại lò đường độ vài ba trăm thước. Sau mấy ngày chạy loạn chúng tôi chỉ di chuyển được ngần ấy khoảng cách. Những tiếng nổ thỉnh thoảng rền lên xung quanh, trên đầu, nhưng có vẻ như rất xa, ngoài tầm khu nhà nhỏ. Đây đó vẫn có người vụt chạy ngang. Mùi khói, mùi thuốc súng thoạt đầu nghe thơm như đêm giao thừa.
Ở mỗi nhà, chúng tôi tom góp các thứ lại xem cái gì cần thiết phải lấy đi. Thật ra nhà chỉ là một ngăn chòi nhỏ, kiểu nhà dành cho người « chạy giặc » nói như hai ông ngoại nội vẫn nói. Những ngăn chòi giống hệt nhau, vách ván sơ sài và mái lá, dựng vội quanh lò đường cũ, sát bờ sông lớn. Mỗi gia đình một ngăn nhỏ, nhiều lắm độ trên dưới một chục mét vuông. Ngoại ở với dì Hai tôi. Ông Ba ở với má Thiết. Hai nhà sát nhau. Vách ngăn buồng ngoài với buồng trong là mành khuôn tre lá tranh đan kết. Đồ đạc « chạy giặc » đã dăm ba lần, chẳng còn gì. Ghế bàn xiêu vẹo, "nhà" ngoại có thêm cái "đi quăng" là nửa bộ ván gõ, tối ngoại ngủ trên bộ ván này. Vài tấm ảnh ông bà cố tổ trên bàn thờ. Với một lư đồng, nhánh mai trong chiếc độc bình đã nứt rạn. Buồng trong, là phòng ngủ và nhà bếp kiêm phòng tắm -, trên chiếc giường tre xộc xệch, bên bộ quần áo dì Hai, xấp lụa màu quà Tết má tôi cho dì Hai đã phủ một lớp bụi lá. Chắc dì Hai đành ở lại trong vườn với má Thiết. Dưới đất, lò dầu lửa ngả nghiêng, vết dầu đổ loang tròn một khoảng đất, dao thớt, năm ba chiếc chén mẻ vung vãi. Còn được đôi ba lon gạo trong cái khạp sành đã vỡ mép, và một nồi nhôm đen thui, méo mó, một chiếc màn nhỏ và thấp ngăn bếp với "phòng tắm", phòng tắm hay "sàn nước" là những vuông gỗ ghép thưa lót dưới chiếc lu nhỏ chứa nước mưa, đôi chiếc gáo, trên sào kẽm giăng ngay trên bếp còn treo một vài chiếc quần ngắn dài, đôi áo rách. Thiết bỏ vào bao vải những hộp mứt, hộp thịt quân đội Mĩ, hộp trái vải và cả xà bông bột Tide. Cũng là quà Tết tôi đã chở về hôm trước cho ngoại. Tôi kêu lên với Thiết : sao ngoại nghèo quá hả anh.
Suốt mấy đêm vắng ngoại, vắng Thiết, ruột gan tôi cháy đỏ như những trái hoả châu ngoài kia. Bây giờ lo lắng tiêu tan, mới bắt đầu biết sợ, tim tôi đập đùng đùng và quên mất mọi dự định.
Ôi, những mùa hè hai đứa ngoan ngoãn ra vào cạnh nhau. Tôi biết chắc, ngay dù nếu mợ Ba không tới lui dòm chừng, hai đứa sẽ vẫn « ngoan ». Vẫn ngoan dù hai năm nay không thấy dì Ngà vác con Bún về quê.
Tôi chăm chỉ học bài học về bệnh tật, vi trùng, vi khuẩn, hay mầm bệnh di truyền. Tôi đã bắt đầu lục lọi khi học bài, đọc báo, cố tìm hiểu về những đứa bé dị tật. Về những cha mẹ dám « cãi lời gia đình đôi bên ». Không tin lắm vào chuyện quả báo cho con cái khi cha mẹ yêu nhau. Nhất là khi điên cuồng yêu nhau. Dù có chung một ...ông cố. Yêu nhau làm sao lại là tội lỗi chứ ? Nhưng vẫn sợ. Sợ những lời nguyền, những quả báo ?. Sao ngu chi mà ngu lạ. Ngu thật lâu, ngu dài dài.
May mà kịp thấy mình ngu. Bắt đầu nghi ngờ những « quả báo » và « trừng phạt của tổ tiên ». Càng sợ càng nhớ. Nhớ nụ cười răng khểnh. Nhớ đôi chân mày rậm và hai con mắt sâu sâu rất Tây phương. À, sao Thiết lúc nào cũng có vẻ buồn. Nỗi buồn Hời ư ? Chỉ nói bậy ! Tại cái ngoéo tay ?Tôi loay hoay tìm hiểu. Ờ, chắc tại Thiết thiếu tình cha, chắc tại Thiết thương mẹ sớm goá phụ. Hơn nữa, khi nãy nếu Thiết không trở lại thì còn gì mà nói khôn với dại, phải không…Cứu chiếc honda, để em còn về Sài Gòn !! Và tôi cứ sợ, cứ lo. Lo bò trắng răng. Bỏ học lội !
Bây giờ, không ngán B 52 nữa, đại bác là cái cóc gì, tôi cũng hết muốn về đâu nữa. Thiết hỏi khi tôi đứng lên, vén tắm màn nhựa bước ra, vò chiếc áo dơ làm khăn lau tóc ướt :
  - Hết sợ chưa ?
Tôi gật đầu, kêu lên :
 - Hết dơ, hết sợ nhưng em làm cạn lu nước mưa của ngoại ! Tắm gội bằng xà bông Tide ghê quá anh ơi. Còn anh, anh có sợ không ? Làm sao ra phông tên gánh nước về đền ngoại ? Phải giặt đồ nữa…Chết…
Trời đất, tôi nhận ra mình lại lo chuyện không đâu. Anh mắt Thiết kì lạ. Tôi hỏi lại :
  - Anh sợ không ?
Tôi ngẫm nghĩ nếu Thiết gật đầu thì mình sẽ chẳng biết phải làm sao vì trong tình hình thông thường mọi khi, người « cứu bồ »không phải tôi...Bây giờ...
  - Sợ em ? Sợ !
Hai con mắt đen sáng rực lên, nhìn bộ áo vải đen nhăn nhầu trên người tôi. Tôi kéo kéo đôi vạt :
  - Thấy em giống gái quê chưa ?
  - Giống lắm. Nên anh càng mất bình tĩnh ! Em không sợ thật à ?
Thiết chợt nói tiếp, không đợi tôi trả lời :
  - Lé mắt cho anh coi.
Tôi phì cười. Ngày xưa, mỗi lần tôi sắp...biểu diễn lé mắt, tôi bắt Thiết chạy đi mượn dì Ngà tấm gương soi. Nhưng dĩ nhiên, tôi chẳng bao giờ nhìn được mắt mình dù nghiêng bên phải, né bên trái, nhìn xéo góc nhọn hay góc tù. Bóng tôi trong gương nhoè nhoẹt thành hai. Có khi ba bốn Dora Maar. Mắt mũi cứ ẩn hiện chồng chéo lên nhau. Thiết cười tủm tỉm trong khi dì Ngà năn nỉ « thôi, thôi, ngừng đi con, dì biết con giỏi rồi ! »
Thiết đưa ngón tay trỏ nhẹ nhàng vén chòm tóc ướt trên trán tôi : " nhà ngoại không có gương ". Ngón tay mải miết chần chờ nơi sóng mũi tôi, chậm chạp xuống dần xoay quanh chóp mũi. Da tôi mọc ốc. Ôi, nếu như khi nãy Thiết không về được, ai cho tôi nghe những lời này ?
Thiết thì thầm : « Ngoéo tay giải bỏ cái ngoéo năm năm trước ». Tôi giơ ngón tay. Thiết nắm luôn những ngón còn lại. Tim tôi bỗng lại dồn dập gõ trống, nhưng cả thân người ấm áp, dễ chịu. Thiết vuốt ve khuôn mặt tôi, kêu lên : đừng sợ. Tôi nghe hai chân mình như muốn rụng đi. Ừ, em không sợ. Nhưng vẫn run. Chúng ta sắp sửa làm gì đó ? Chúng ta sắp sửa hết còn ngoan. Kề sát gương mặt thanh tú "gia" cấm, gần đến nỗi tôi nghe cả tiếng tim hai đứa, tôi nhìn thấy tôi trong mắt Thiết. Rạng rỡ và đẹp lắm, vì không có vết lọ trên mũi. Vì không còn nhớ đến bất cứ điều gì khác nữa. Thiết lùa xấp hàng màu xanh lá chuối xuống lót đầu tôi, hôn vào cổ, vào mặt tôi, tiếng thở dồn, đôi bàn tay nóng, những ngón khô gần gũi và mới mẻ. Tóc Thiết thơm nồng mùi lá cây, mùi đất vườn quen thuộc. Da thịt tôi phập phồng, mặt tôi nóng ran, tim rập rềnh gõ trống loạn đả từ ngón chân đến ngọn tóc. Chúng ta sắp sửa…
Như thuở xa xưa, tôi nghe ngóng, chờ đợi ; cái cảm giác hồi hộp kích thích vô cùng dễ chịu này đã lớn dần theo những tháng hè, càng lớn tôi càng sợ nhưng càng ghiền nó. Cái cảm giác lâng lâng sung sướng khi được anh đưa cho một chùm mận chín, một trái ổi tròn xanh láng bóng…Mỗi mùa hè, nhạt nhoà dần mận ổi, đậm đà thêm ánh nhìn, rõ nét những ngón tay trao, những ngón tay cơ hồ chạm nhau, nói với nhau điều gì đó, lạ lùng, thân quen, cuốn hút. Tôi sợ cái nhìn mợ Ba nhưng tôi khát khao thấy hoài đôi mắt Thiết. Một lần tôi kêu :
  - Thiết nhìn gì mà …ghê quá !
Thiết chớp mắt :
  - Ghê hả ? Anh có lé đâu mà ghê ?
Mỗi lần nhúng chân xuống dòng nước đục phù sa, tôi sợ thuồng luồng cắn, ngán ma da kéo cẳng, nhưng nỗi sợ ấy nhẹ hơn cái cảm giác lâng lâng lạ lùng khi nghe bàn tay anh đỡ nhẹ lưng tôi. Những ngón tay nắm lấy tôi. " phải quạt tay như thế này, phải búng chân như thế kia ". Nhớ ngón tay chứ không nhớ trăng. Có phải vì vậy mà nghề lội học mãi chẳng nên thân ?
Ầy, mà ngày xưa thật xưa, những lần đầu chấm lọ chóp mũi tập làm lé, tôi vẫn chạy quanh trốn ngón tay ấy. Thiết than " Để anh lau mũi cho, em xấu lắm, như anh hề Sạc Lô ". Tôi chỉ dừng lại khi Thiết dọa " Để lâu, lọ ăn vào da, cái mũi sẽ đen thui như mũi mèo "
Lớn dần lên tôi lại cứ muốn ngón tay Thiết vuốt hoài sóng mũi tôi, đổ thừa vết lọ lì lợm. Chỉ với Thiết, luôn luôn là với Thiết, một Thiết lúc nào cũng đầy sáng tạo, nhiều phát minh, độc đáo, chở che… Những khúc dạo thần sầu, nấu nung âm ỷ. Như những trái chín trăng rằm mười sáu. Như trái ngọt một chục mười lăm. Tràn khỏi bàn tay háo hức chờ đợi. Sẽ vỡ bùng ra bây giờ. Phải bùng vỡ ra bây giờ. Nham thạch sôi sục cháy lỏng phải vọt tràn đỉnh núi, cuồn cuộn ôm sát vòng sườn, phập phòng trôi mềm về chân núi, trước khi hóa đá, để đọng nỗi cuồng si thỏa mãn đỏ hóa đen… Trời ơi, chỉ giản dị như vậy thôi…Những ngón tay Thiết đốt cháy và cháy trên tôi. Chúng tôi vỡ bùng, chúng tôi bỗng thông minh…Và sẽ nhớ nhau trọn đời. Trọn đời nhớ nhau….
Những chùm nổ chụp xuống thật gần. Đất đổ rào rào trên nóc lá, bụi rơi đục ngầu không khí. Và những tiếng kêu la thảm thiết lôi rời hai đứa. Thiết vực tôi dậy. Đôi bàn tay mơn trớn, vội vàng và âu yếm vuốt đi những bụi bậm. Tôi hốt hoảng nhưng yên tâm ngay khi nhìn thấy Thiết cười, hàm răng trắng bóng, đôi mắt sáng rực.
Thiết vác bao vải trĩu nặng kéo tôi chạy ra khỏi nhà. Đất bụi và mùi cháy khét xộc vào mũi. Tôi kêu lên trong bụng « Thôi rồi !». Ngoéo tay cho bất cứ điều gì, xưa nay chỉ được một lần thôi, cái chi mà ngoéo tới ngoéo lui, hoá giải với không hoá giải ? Mi ăn gian...
Ông Ba nằm gục cách dãy nhà không xa. Những người đàn ông gọi nhau lạc giọng. Tôi như mê đi, bỗng không còn nghe bốn phiá đất trời vẫn ầm ầm rung chuyển.
Lâu lắm về sau, tôi thấy tôi ngồi yên trong chỗ ẩn nhìn ra, tôi thấy ông ngoại đang cầm khăn ướt lau bụi trên mặt ông Ba. Đám người đông đầy đôi giờ trước đó đã biến đâu mất. Bộ quần áo ông Ba hôm giao thừa màu trắng, bây giờ vấy đất cát đen bẩn từng mảng, ông nằm như ngủ, bộ râu cước ba chòm ẩm nước xẹp xuống buồn bã, vuông mền xám đắp ngang bụng đến gối. Giường táng là một mặt ván kê trên hai chiếc ghế đẩu. Nước mắt chảy dài trên gương mặt ngoại khép kín. Tôi không dám nhìn Thiết. Chỉ vì tôi vượt qua vùng cấm địa. Ngày trước dì Ngà ...Bây giờ, chỉ vì Thiết đã vượt qua vùng cấm địa. Bây giờ hai đứa...Hai đứa đã làm gì ?
                                               *
Chiếc ghe nhỏ chậm rãi lướt nhẹ trên mặt nước, sát bờ, đôi khi lườn ghe chạm vách bùn, thành vết hằn dài. Ngoại chống sào ở mũi ghe, Thiết chèo lái. Ngồi xoay lưng về phiá Thiết, ngay dưới chân ông Ba, tôi níu giữ mép chiếu. Chiếc chiếu nhỏ không đắp trọn thân ông Ba, khi tụt bên phải khi trượt bên trái, theo nhịp chèo. Đôi lúc tôi có cảm tưởng như thấy mặt kính chiếu hậu xe honda nằm ngang mũi ông mờ đi. Có khi về đến nhà, ông sẽ tỉnh lại chăng ?
Đôi lúc, ngoại ngưng chống, cắm sào giữ ghe lại, căn dặn hai đứa, rồi lên bờ. Ông tìm nhà người quen biết xin nghỉ qua đêm.
Về phia chợ Bến Tre, những cột khói xám vẫn ngoằn ngoèo trên nền trời xanh điểm mây trắng. Tiếng đại bác, tiếng bom vẫn thình thình như vọng đến từ chỗ nào rất xa xôi. Không quay lại nhưng tôi nghe ánh mắt Thiết nằm trên vai, đọng trên cổ. Da thịt bỗng luân phiên rần rật nóng đỏ, râm ran êm đềm dễ chịu, quá sức êm ái dễ chịu.
Và lập tức, trong đầu tôi mơ hồ mợ Ba với gương mặt sa sầm và những lời trách cứ, mắng nhiếc, không, mợ sẽ chỉ nhìn bằng đôi mắt Thiết, long lanh màu giận dữ. Má tôi sẽ năn nỉ « con nhỏ tối dạ lắm, chị đừng giận nó » ! Năn nỉ bao nhiêu lâu thì má « cứu bồ » được hai đứa ?
Với các tin tức thu thập không biết từ đâu, ngoại quyết định không tiến sâu về phía vườn nữa. Máy bay sẽ dội bom. « Mấy ảnh » đang rút khỏi thành phố Bến Tre.
Ghe neo lại dưới bến nhà một người bà con xa. Căn nhà nhỏ ven sông, người chồng cụt một chân hút thuốc và nói không ngừng nghỉ, người vợ câm nín. Căn hầm sườn gỗ đắp đất và vài bao cát nhỏ xíu chất quanh. Mỗi lần có tiếng nổ gần, người đàn bà với lũ con nhỏ và tôi tự động chạy vào hầm. Những người đàn ông ở ngoài, vẫn ngồi yên trò chuyện. Tôi bó gối trong hầm hay trên bộ ván tre, nghe cơ thể bâng khuâng một nỗi lưu luyến lạ lùng và đầu óc tê liệt, mụ mị. Những đứa trẻ không hề khóc nên tôi không khóc. Người đàn bà không hở miệng nên tôi cũng không biết nói chi. Chị cùng họ bên phía bà ngoại tôi, xa không biết đến đâu nhưng tôi thấy chị cũng đẹp như các bà dì trẻ rất gần của tôi, như dì Ngà, da trắng hồng, mượt tóc, bới thành búi dày to sau gáy, đôi mắt đen câm nín, buồn bã một cách lạ lùng. Chị lặng lẽ từ bếp ra nhà trước, từ nhà trước ra sân sau, âm thầm nhẹ nhàng như một bóng ma, mớm cơm cho đứa con nhỏ, với tay đưa võng cho đứa kế. Người chồng đen đúa, mũi to, trán thấp, răng đen vì nhựa thuốc lá. Sáng nay, như mọi khi, anh bất chấp tiếng nổ, cùng thằng con lớn độ chín, mười tuổi chèo ghe ra giữa sông quăng lưới, cắm câu. Văng vẳng tiếng anh ta chỉ dạy thằng con. Tôi ngồi trong nhà, xung quanh đơn sơ trống trải, không một quyển sách hay tờ báo, tôi nằm trong hầm, hầm sáng lờ mờ, vách đất lạnh lưng ; tôi thơ thẩn trước sân, sân rung nắng dữ dằn tiếng nổ, ngoại và Thiết lại mất tăm, tôi lóng ngóng ngoài vườn, theo dõi bóng lá. Tôi bồn chồn, lo lắng theo dõi cơn đau bụng lâm râm, tưởng tượng và cố quên ngay một tội lỗi có thể đang thành hình. Tôi nhìn ra sông, người đàn ông gác chiếc đùi cụt lên mạn ghe, ngửa mặt lên trời, nhả khói phì phà, thằng bé con quay đầu về phía những cuộn khói ngoằn ngoèo trên đầu thị xã, tôi nhìn người vợ ôm con nhỏ ngồi nơi mép ván bên kia, chị day lưng ngó ra lộ. Lộ đá nhỏ vắng lặng. Hai đứa bé rách rưới khác thơ thẩn ra vào, thỉnh thoảng nhìn tôi, nhìn chiếc honda dựng bên ngoài vách nhà.
Hôm sau, mọi lo lắng tiêu tan khi tôi nghe những giọt máu kinh nguyệt ngày đầu tiên thấm ướt đáy quần lót. Thế là xong. Một thứ ao ước mang nặng bồn chồn, thách thức hôm trước nhường chỗ cho một thứ tuyệt vọng mênh mông và nhẹ tênh. Thế là hết.
Nhưng trời đất, biết làm sao đây. Tôi nhớ rõ, ở Sài Gòn, ở nhà tôi, những quần áo lót, gói băng vệ sinh nằm chỗ nào trong tủ quần áo... Ở đây, tất cả đã bị vất bỏ, bị rơi mất tự bao giờ. Ngoại không có một tấm áo sạch thay cho ông Ba. Từ hai ngày nay, ngoại đã cho, đã trao đổi hoặc bán hầu hết các món quà Tết. Nhưng tôi nhớ rõ mình không hề đói hay khát, hoặc muốn ăn uống.
Vậy mà ngay sau đó, cơn đau bụng chợt ngưng bất ngờ, cơ thể tôi ngoan ngoãn nghe lời cầu cứu. Không có ngày kinh thứ hai.
Giữa ngọ, người đàn ông đem ghe về bến, nhảy cò cò lên bờ, miệng phì phèo thuốc lá. Thằng bé xách chai đi mua rượu đế, tôi tự hỏi mua ở quán, chợ nào. Người đàn bà uể oải cầm rỗ cá xuống cầu dừa. Bước chân có lúc chợt ngập ngừng, chị ngoảnh mặt vài giây nhìn về chiếc ghe ngoại neo gần đấy, bóng lá chập chờn lắt lay trên mảnh chiếu phủ xác ông Ba.
Thời gian như ngừng lại ở ngôi nhà độc âm này, mới hai hôm mà tôi có cảm tưởng mình đã bị dính cứng ở đấy từ thời tiền sử.
Sáng thật sớm, ngoại buộc Thiết đưa tôi ra bến xe đò. Tôi chần chờ, thoái thác, không muốn về Sài Gòn. Đã nghe đài phát thanh loan tin tổng tấn công khắp cả miền Nam kia mà. Ngoại nói ở trên đó yên rồi, còn nơi đây chưa phân thắng bại. Mới có mười ngày thôi. Tôi muốn năn nỉ xin ngoại và Thiết cùng về Sài Gòn. Nhưng như vậy ai sẽ đưa ông Ba về quê ?
Miễn cưỡng chào đôi vợ chồng, thưa ngoại con đi, tôi lẽo đẽo theo sau Thiết. Thiết dẫn chiếc honda, thỉnh thoảng ngoái đầu xem, như sợ tôi biến đi đâu. Cả hai lặng lẽ len lỏi qua những khu nhà chỉ còn là đống gạch ngói vụn, mái tôn cong queo, cột kèo thành than đen, đôi chỗ còn bốc khói. Đường lộ cũng không một bóng người nhưng mặt đường ngổn ngang những đồ vật không tên, xen lẫn quần áo, túi xách, rỗ thúng, có cả cành lá cây xanh, cả gạch đá, bánh xe, vành xe.
Ra tới bến xe, thấy dãy xe đò cháy rụi nằm trơ sườn đen, tôi mừng lắm, muốn quay lui. Cho em về với ngoại. Có anh nữa, em không sợ.
Thiết lắc đầu, đề nghị : Anh chở đi cho một đoạn, em phải về Sài Gòn bằng xe honda, ở đây không yên đâu.
Thiết dựng xe, loay hoay đạp máy nổ. Tôi ngạc nhiên khi nghe mình không giận hờn, thì ra tôi đã lớn, tôi đã nghiệm ra rằng trong tình thế này, Thiết không cứu bồ nổi. Chúng tôi chưa hóa bụi là may.
Bỗng nhiên, tôi nhận ra tai mình hết điếc. Và kinh hoàng vì xung quanh im lìm, vắng lặng. Chỉ có tiếng xe honda vừa bật nổ giòn giã. Quả tình không còn một tiếng động nào khác. Những ngày đêm bom đạn ầm ầm vừa qua có thật không ? Sao bây giờ, chỗ này vẫn chẳng có ai ?.
Xe chạy chậm rãi vì phải quanh quẹo qua lại tránh những đồ vật nằm vung vãi trên mặt đường. Đây là một bãi chiến trường, đã cũ ?. Chúng tôi lướt qua những miệng hố sâu, cạn, lớn nhỏ, những mô đất đá, vài chiếc xe gắn máy cháy đen, những xe đạp ngã nghiêng, vành xe cong queo. Những chiếc xe ấy, những giày dép, khăn áo, thúng mủng ngổn ngang kia là của ai ? Sao không một bóng người ?. Tôi sợ hãi vì tiếng máy xe quá lớn, sợ hãi vì vẫn thấy chỉ có chúng tôi chuyển động giữa khung cảnh lạ lùng này. Tôi muốn xe lướt đi thật kín đáo yên lặng. Tôi áp mặt vào lưng áo Thiết, tưởng tượng như được Thiết cầm tay dẫn qua cầu, dưới chân là nước đang gào thét chảy xiết. Đấy là chiến tranh ? Là « giặc giả » ? Là « pháo » là « càn quét » là « bình định » vẫn nghe thấy qua người lớn, qua báo chí, ti vi ?
Ôm chặt bụng Thiết, áp sát mặt vào lưng anh, hít mạnh mùi quen thuộc. Hối hận vì đã hai bữa không dám nhìn thẳng anh. Tôi muốn xe chạy mãi, chạy hoài. Cơn sợ tan đi để chỉ nghe mình tràn đầy tội lỗi vì cứ nhớ mãi, ôn đi ôn lại những cử chỉ, bàn tay, những cái hôn, những hơi thở dập dồn, những kêu gọi và trả lời, triền miên chìm vào những giây phút đầu tiên yêu nhau, ngày xưa và lúc bấy giờ, ngoài vòng cấm địa, trong vòng tử địa.
Thiết chợt nói :" Em nhắm mắt lại ! ".
Lời nói như ra lệnh khiến tôi mở to mắt, tìm kiếm. Ngay trước mặt nơi xe vừa trờ tới, một ngã ba đường, một người bị trói đứng vào thân dừa ven lộ. Tôi nhắm mắt lại nhưng đã muộn. Trong đầu đã in khằn hình ảnh xác chết mặc quần áo lính, màu rằn ri loang vùng máu đã khô đặc suốt từ bụng đến chân. Thân người và tay chân đều căng phồng như muốn tung đứt sợi dây trói. Mái tóc đen cắt ngắn với chiếc xoáy tròn nhỏ giữa đỉnh sọ. Đầu người chết gục xuống ngực như cố nhìn vào mảnh giấy ghim trên áo, tôi chỉ thoáng đọc được hai chữ « bản án ...». Thiết nhấn ga, đưa tay ra sau vỗ vỗ vào đầu tóc, vào vai tôi. Gió vù vù bên tai không thổi đi được những gì đã nhìn thấy. Tự nhiên, nước mắt tuôn chảy ràn rụa trên mặt tôi. Tiếng khóc đầu tiên vỡ thoát ra, bay vào tai, theo gió, giữ chặt bàn tay Thiết trên má.
Khi Thiết dừng xe lại bên đường, lác đác quanh chúng tôi đã có người và xe vượt qua mặt. Thiết thở phào, dặn dò :" Em cứ chạy theo người ta. Anh phải quay về. Sợ Ngoại lo "
Những ngón tay anh vuốt mãi mặt mũi tôi. Như không còn một lần nào khác nữa. Sẽ không còn một lần khác nữa.
Tôi thẩn thờ ngồi lên yên xe, hành động như phản xạ, đổi số, nhấn ga, quay mũi xe len vào dòng người đang chuyển động. Thỉnh thoảng ngoái đầu nhìn lại. Dáng Thiết đứng lặng trông theo còn hoài cho đến kiếp sau.
                                               *
Tôi hỏi Thiết : " Anh thanh toán cái đùi gà cách nào ?". Thiết bước đến hàng cây quýt con, chỉ cho tôi những đoàn kiến vàng tất bật quanh những mẩu thịt gà đặt cạnh các tổ kiến kết bằng lá. Gentleman farmer ơi, sao anh không dùng phân hoá học như hàng xóm chung quanh ?. Để hái tặng em những quả ổi to xanh mọng, bóng láng và...nhạt thếch ?
Thiết chợt nghiêng vai, ngón tay trỏ để nhẹ lên môi tôi, đưa mắt hất hàm chỉ về phía trước. Tôi trở về thực tại. Không, bây giờ gần ba mươi năm sau, hai đứa cạnh nhau, bên bờ mương cũ. Đất đai lại thơm tho thanh bình. Còn được như xưa không ? Năm ngoái, năm kia, tôi tự trả lời rằng không. Còn cái gì được như xưa ? Năm nay, gan lì hơn, có phải vì càng lúc càng bớt...ngu, với kinh nghiệm đời dạy, với thời gian ít ỏi còn lại, với lòng tin...Có hay không ? Làm sao biết được ? Chứng minh được ?
Tiếng Thà cười khiến tôi giật mình. Không, tôi chưa tin mình lắm ở ...lòng tin và sự quả quyết. Dù tôi tự nhủ, tiếng cười kia không phải là tiếng súng. Chiến tranh đã chấm dứt gần hai mươi lăm năm nay. Bé Bún chết từ lâu, dì Ngà đã già nhưng trước đó dì sinh thêm hai đứa con khác lành lặn đẹp đẽ khi cậu Tửu trở về sau ba năm đi tù cải tạo. Tôi nghĩ mình đã hiểu tường tận những bệnh tật do hoá chất, ô nhiễm, phóng xạ, do sinh lí di truyền, vi trùng, vi khuẩn, tôi biết mình đã bớt ngu ngốc về... một số chuyện, tôi đã...Và mợ Ba...
Cậu Ba không chết trước đó như tôi tưởng. Cậu trở lại quê xưa với chiến thắng và...vợ con mới. Mợ Ba bỏ về bên ngoại Thiết. Hai năm trước, tôi đến thăm, mợ là chiếc lá khô mỏng trên giường, hấp hối, chớp mắt cảm động khi thấy tôi, chắc mợ nhớ đến những khúc phim đời huyễn mộng, tôi tưởng chừng như mợ tủi thân, dường như có cả hối hận. Không, chắc tôi tưởng lầm, năm trước tôi thấy mợ cũng chẳng dịu dàng, thân thiện hơn đối với vợ Thiết, người bạn gái cùng lớp đã bỏ nhà vào bưng theo Thiết sau kì tổng tấn công đợt hai.
Thà lại cười. Tiếng cười giòn giã, rộn ràng.
Tôi nghĩ đến những lời nhắn của Lư, những lời tôi đã nói với Thà. Tôi lịm người nhớ đến ánh mắt Thà.
Nhưng không, Thà không xuất hiện và cũng không tuyên bố em bắt gặp chị quả tang. Tiếng cười Thà vẫn vang rõ xen tiếng nói đàn ông.
Đẩy nhẹ tay Thiết vì anh muốn giữ tôi lại, tôi đi về phiá những âm thanh lạ lùng này.
Thà nghiêng mình trên chiếc võng vải treo giữa thân hai cây cau ven bờ rạch nhỏ. Thằng bé con Thà ngủ say trong lòng võng. Thà nhẹ tay đưa võng, rồi ngả người nằm xuống, một tay gối đầu, mắt lim dim. Bên cạnh Thà, người đàn ông lạ, ngực trần, quần đùi, ngồi trên đám lá chuối dầy, vuốt ve thằng bé, đặt tay lên tay Thà, cùng đẩy đưa võng và cất tiếng ca ư ử trong cổ họng.
Thà ngồi dậy, vươn vai. Người đàn ông quay người lại, ôm xiết và dụi mũi vào ngực Thà. Thà cười lớn, đứng lên, nguẩy mông hích vào mặt người đàn ông rồi để nguyên quần áo, bước xuống cây cầu dừa trầm mình dưới dòng nước đục. Tôi lùi lại, nín thở.
Ngày xưa, cũng tại chính khúc sông này, Thiết đã đốn thân chuối tập tôi lội. Thiết đã cặm cụi đẽo gọt từng nấc thang trên thân dừa, thả thân dừa nằm xuôi trên bùn bắt cầu cho tôi xuống sông, ôm được thân chuối mà chân không phải xắn vào lớp bùn dày. Thiết lót dài những tàu lá chuối xanh từ bờ cầu cho đến chỗ tôi đặt đôi giày xăng đan.
Tôi nhớ đến nỗi lo không giữ lời hứa, đến cảm giác lạ đốt nóng thân thể mỗi khi mắt Thiết đầy ánh lửa, mỗi khi bàn tay Thiết đỡ nhẹ bụng tôi. Nhớ mợ Ba bĩu môi : học gì học hoài mà vẫn chưa biết lội. Má tôi lắc đầu « con nhỏ này tối dạ lắm chị Ba ». Nhưng đôi ba năm sau đó tôi không thèm học lội nữa. Kệ, chết bỏ ! Nói nghe ngon nhưng tôi biết mình sợ. Sợ điều gì ? Sợ ánh mắt mợ ? Đến bây giờ vẫn chưa biết rõ.
Chỉ biết một điều vô duyên : những kẻ thông minh sẽ không bao giờ chết đuối.
Người đàn ông cười khà khà đứng dậy, nhẩy xuống nước. Đôi nhân tình tội lỗi vẫy vùng, đùa giỡn ồn ào không giữ gìn.
Thiết vuốt ve bàn tay tôi. Tôi nói trong bụng : đừng sợ , đừng sợ. Bây giờ là ba mươi năm sau. Đừng sợ. Đừng sợ. Hãy nhìn Thà.
Tôi quay lại, tựa vào Thiết. Đôi vòng tay ôm xiết nhau lại. Tôi buồn cười nhớ tới những giọt nước mắt Thà khi nãy. Đúng là con quỷ con quá quắt. Và con quỷ già là tôi chẳng vừa gì. Thiết cũng mỉm cười. Hai con mắt long lanh. Hơi thở nóng vuốt ve vành tai tôi. Hết ngu chưa, em nhỏ? Ừ, nên theo gương những đứa không tối dạ. Không những không tối dạ mà còn can đảm nữa kia...
Thà lên bờ, trút bỏ bộ quần áo ướt đẫm, nằm xuống thảm lá chuối xanh. Chân co chân duỗi, mắt lim dim, chờ đợi. Gò ngực trắng tươi ngồn ngộn. Mái tóc đen dài toả ra xung quanh. Đùi bụng cong dài đường tuyệt mỹ. Như vệ nữ của Titien, của Cézanne, của Renoir. Như Antiope của Ingres. Tạm thời không còn là của Lư. Người đàn ông ngồi tẩn mẩn trải những tờ giấy xanh trên mình Thà. Như Jupiter, không, như anh làm vườn của lady Chatterley. Đó là những tờ mười, hai mươi, năm mươi đô la, toàn giấy mới. Gói tiền Lư nhờ tôi trao lại cho vợ. Thà ậm ự dang tay ưỡn ngực, lắc mông. Mớ giấy bạc bị lay chuyển, tờ rơi, tờ cố bám. Người đàn ông bò bốn cẳng, cúi ngoạm từng tờ, để vào những chỗ da thịt trống. Môi mũi hắn hít hà. Thà cười khục khục trong cổ họng, tiếp tục uốn éo dẫy dụa, rướn cong thân mình. Ôi, hai đứa quỷ con.
Như chúng tôi của một thuở thần tiên đã mất. Tôi kéo dừng đôi tay Thiết, đưa lên cho anh ôm lấy mặt tôi. Trong một khoảnh khắc, nỗi sợ ngày xưa trở lại, tôi bị hóa đá trước khi là nham thạch. Mợ Ba mất từ năm ngoái, tôi chỉ còn một mình Thiết.
Thiết hiểu ngay, sa sầm ánh mắt. Tôi tìm tôi trong mắt anh, cố nhìn cho ra mình đang nhoè thành hai ba bộ mặt Dora Maar. Thiết quay ngoắt đi, nói như dì Ngà thuở trước :" anh biết em giỏi lắm !". Tôi nói tiếp trong bụng, mắt mũi cay cay : "và mãi mãi tối dạ".

11/2000 cho Thu,
để nhớ em, chim Én của chị,
lúc nào cũng ở bên ngoài cuộc đời.