jeudi 23 juillet 2020

Thế giới hỗn mang


Thế giới hỗn mang


Trên cái bục gỗ như một khán đài tí hon, cô Hương kề miệng sát vào micro thổi tu huýt hoét hoét từng hồi chát chúa ngắn tủn, nhịp ngắt đều đặn. Bên cạnh cô Hương là cô Thảo, trong bộ quần áo thể thao vận động viên, theo từng tiếng còi, cô giơ tay, giơ chân, quay trái, quay phải, đứng lên, ngồi xuống, vặn vẹo tấm lưng thon. Phía dưới, trên sân trường vuông vức trải đá tráng nhựa nhưng cứng đá xanh nhiều hơn mềm nhựa, đứa giày, đứa dép, nhưng xếp hàng ngay ngắn, vẫn đồng phục áo bà ba trắng, quần trắng, lũ trẻ chúng tôi vài trăm đứa cũng nhất loạt làm theo như cái máy. Quay bên phải, ngay đầu dãy lớp nhì tôi thấy chú Tám đứng ngay đơ như lính gác bên cái trống to tướng vành đỏ treo trên giá gỗ, hai con mắt nhìn thẳng vào văn phòng bà hiệu trưởng. Quay bên trái, tôi thấy cô Phương lớp tôi đứng lẫn với các cô khác trong hàng lang dãy lớp nhất, miệng cô cười thật tươi, các cô còn trẻ hay thích đứng chung với nhau, vui vẻ tha thướt yểu điệu trong những chiếc áo dài đủ màu, thỉnh thoảng các cô lại giản ra, bước hẳn ngoài thềm lớp suỵt suỵt những con nhỏ rúc rích cười bạn lỡ đà loạng choạng hay quay ngược hướng. Những đứa đứng hàng đầu đều siêng năng, kỉ luật và im lặng, trang nghiêm, vì ngay sau khán đài là dãy lớp tiếp liên với văn phòng bà hiệu trưởng và các cô giáo già nghiêm khắc, bà nào cũng áo dài màu nhạt nhẽo hay tối thui, mặt mũi chỉ điểm trang bằng đôi mắt kính lão và nét khó đăm đăm. Ngày ấy, tôi sung sướng vì luôn được xếp hàng cạnh Vi, làm học trò cô Phương và có thể tự do quay dọc ngang ngắm nghía bốn phương tám hướng.
Hai tay giơ lên trời, từ từ cúi xuống, hít đầy không khí, những ngón tay chấm đầu ngón chân đầu gối giữ thẳng. Thở ra, ngẩng lên. Tay chống bên hông, từ từ ngả đầu ra phía sau, uốn cong xương sống, trời xanh cao xoay chầm chậm, nửa vòng trời rơi xuống đất, ngoài cổng những người bán quà vặt đứng chổng ngược, tay níu những song sắt nhìn vào. Đôi khi, vì bệnh viện Nguyễn Văn Học, đối diện với ngôi trường nữ tiểu học tỉnh lị, chưa đến giờ cho thân nhân vào thăm người bệnh nên có thêm người dòm chúng tôi tập thể dục trước khi vào lớp.
Và tôi không còn gì để ngắm nghía sau mươi điệu múa chán ngắt. Vi đứng cạnh tôi, chăm chú theo dõi và lập lại từng cử động của cô Thảo. Cô Thảo dạy lớp Vi. Cô thổi hoét hoét sau khi hét lệnh vào micro : dang tay ra ; hít vào ; quay sang trái ; cúi xuống. Thở ra. Những ngón tay của Vi cong lên, như đưa cho tôi. Vi quay sang thấy tôi đang nhìn, Vi nhoẻn miệng, ngay dưới nụ cười, hai xoáy nhỏ xoắn lại thành đôi đồng tiền sâu tròn tuyệt đẹp.
Mười năm sau, tôi nói Vi giống Angie Dickinson khi Vi cười. Thật hở Vui. Vi lại nhoẻn miệng cười, xoắn tôi vào ánh mắt đen sâu.
Giờ thể dục hội đồng, tôi thấy dường như chỉ một mình Vi mặc áo tay búp, cổ lá sen. Tôi chỉ nhìn thấy Vi. Tôi  nắm cánh tay tròn và mát lạnh của Vi.
Vi phải khép những ngón tay lại, như thế này này…Tôi xếp những ngón mềm và ngoan, cong vút lên như vũ nữ hoàng cung Thái Lan.
Bàn tay Vi cũng có những đồng tiền nhỏ khi Vi khép song song những ngón mũm mĩm, móng hồng cắt sát, tròn theo đường cong của đầu ngón. Tôi thích xếp những ngón tay mềm của Vi. Tôi ghiền xếp những ngón tay Vi. Những ngón tay búp bê. Những ngón tay xoè mãi cho tôi xếp.
Như con búp bê Pháp dạo nọ ở nhà chú Tư. Tóc vàng óng ánh xoắn những vòng quý phái, mắt trong xanh với hàng mi cong dịu dàng khép xuống khi tôi xoay nó nằm ngang. Bảo vật của thím Tư để lại sau lần trở về ăn giỗ ông nội. Con búp bê bằng sứ, nặng chịch, nhưng chiếc robe xòe tơ lụa mịn nhẹ như tiếng thở dài, màu vàng rạ điểm những nụ hoa đỏ tí hon, váy lót nhiều lớp tuyn và đăng ten vàng nhạt. Thím Tư nói con chơi chung với em Liên nghe. Mà khi đó Liên chỉ mới biết đi, và Liên chỉ mê bám lấy mẹ. Tôi được toàn quyền săn sóc con búp bê nặng như em bé thật ấy. Những ngón tay múp míp xòe ra, những điểm đồng tiền không biến đi được như khi tôi bắt Vi nắm tay lại, dạy Vi cách tính những tháng đủ và tháng thiếu. Con búp bê sang trọng và xa lạ, có những ngón tay cứng nhắc. Thím Tư về ăn giỗ, linh đình quà cáp cho gia đình chồng, và con búp bê cho em Liên. Chú Tư gườm gườm, mặt nặng như đá. Thím Tư khóc thút thít, lạy xá bà nội như một cái máy. Bà nội day mặt lên bàn thờ, đầy vẻ giận hờn. Má tôi bồng bé Liên, giữ tay không cho bé nhoài về phía mẹ. Tôi thoáng ngạc nhiên khi thấy mặt Má cũng đẫm nước mắt.
Giữa đêm, tôi giật mình thức giấc, nghe tiếng thì thào của Má trong bóng tối. Và bàn tay thím Tư sờ soạng lên mặt tôi, vỗ về nhỏ nhẹ, thím đặt con búp bê sát vào tôi. Tôi sung sướng ôm chặt lấy khối sứ bỗng dưng thơm mềm, êm ái, và ngủ thiếp đi. Sau này mới biết : khuya đêm đó Má tôi giúp thím ẵm em Liên mò mẫm ra bến sông chờ chuyến đò bình minh thứ nhất trốn về Sài Gòn. Nhưng rồi con búp bê bằng sứ ấy lại rời khỏi những ngón tay tôi ngẩn ngơ, vào sáng sớm hôm ấy : má lén liệng nó ra ngoài sông sau khi năn nỉ và hứa hẹn tìm mua cho tôi con khác. Má không bao giờ tìm mua được một con búp bê như thế cũng như tôi không bao giờ quên được những hình ảnh loé chớp lạ lùng buổi ấy, tiếng khóc chìm, lời đay nghiến và nét lạ lùng dữ dằn trong đôi mắt nội cũng như tình cảm hoang mang trong đầu tôi ngày đó vì không biết phải chọn bà hay theo mẹ. Dù giận hờn vô cùng buổi ấy. Dù mơ hồ đồng ý với « âm mưu» của Má và thím.
Tệ hơn nữa, Má thú nhận ngay tội lỗi với Nội dù bằng chứng vẫn nằm yên ở đáy con rạch nhỏ trước nhà. Hèn chi, sau này, mỗi lần ba tôi cằn nhằn trách móc: vì má tôi mà ông phải về sống cực nhọc và nghèo nàn tại đất Sài Gòn bụi bậm nắng nôi, Má chỉ thở dài. Trong khi cậu Hai tôi mỉa mai dượng có giỏi thì về cứ trở về quê, chắc chắn sẽ được ngồi dưới bóng mát ...cạp đất mà ăn !
Mười năm sau, những lần xem chỉ tay cho Vi, nói số Vi sẽ giàu vì những đồng tiền ở ngón tay Vi, ở khuỷu tay Vi. Vi cười rũ rượi, những ngón tay mềm rung nhẹ trong bàn tay khô, xương xẩu của tôi :
  • Hôm nào Ngọc Anh phải nói lại cho Vi ghi trên giấy để sau này mình kiểm chứng nha !
***

Cô Hương hoét hoét một chùm liền. Và chú Tám sung sướng thẳng cánh nện dùi vào mặt trống. Thùng thùng thùng giục giã. Cả lũ học trò rống cổ hát khỏe vì nước (bánh ướt tôm khô, chè đậu đen năm cắc một tô) vừa toe toét, ùn ùn, rần rần xếp hàng về lớp, các lớp ba, lớp nhì rồi lớp nhất, lớp tiếp liên sau cùng. Đến trước cửa lớp, chúng tôi đùn nhau, xô nhau để vào lớp trước. Năm đó lần đầu tiên chúng tôi có giờ thể dục chung toàn trường cho những lớp lớn. Và là năm thứ nhì học chung với Vi. Tôi thấy Vi từ năm chúng tôi xếp hàng một, cánh tay áo xắn lên chờ được trồng trái ngừa đậu mùa. Tay Vi trắng hồng, bụ bẫm, khác biệt. Miệng Vi hơi mếu, một bên đồng tiền đậm nét hơn bên kia.
Vi và những đồng tiền. Buổi sáng như những nhánh phổi nở hoa và những nhịp trống tim thơ thới.
***
Xế trưa, má tôi về, chân chưa bước qua ngưỡng cửa đã khuấy động rộn rã ngôi nhà sàn nhỏ : Châu bắt nồi chè lên bếp bao lâu rồi hả con, tụi con ăn cơm rồi chớ hả, Vui đi rửa chén đi con, thằng Vẻ đưa sữa cho em bú chưa, bữa nay ba tụi con có phải trực gác gì không, nhớ để phần cơm cho ba, nghe, rồi học bài, nghe. Rồi vừa dẹp quang gánh, Má vừa hôn nựng em bé. Bú sữa nhiều nè, mau lớn cho má nhờ nè. Rồi ngủ giỏi nè, anh Vẻ đưa võng em ngủ nha, ngủ ngon cho mấy chị học bài. Tôi đổ nước vo gạo vào thau chén, mặt trời đốt nóng những vân vi ngũ sắc mỡ màng. Lòng tôi cũng rộn rã trăm điều không tên. Sông vẫn xanh màu rêu mà tháng trước ngoại chê nước đục hơn mùa nắng năm ngoái. Má nói với ngoại : nước sông Ðồng Nai là nước máy đó má. Một cảm giác lạ lùng ấm áp mỗi lần nghe ngoại chuyện trò với má. Nghe  Má gọi ngoại bằng tiếng Má êm ái. Má kể cho ngoại những chuyện trong nhà hay ngoài đường bằng một giọng mềm, những chuyện kể bỗng như chuyện lạ, nhuần nhuyễn quay lại trước mắt tôi dưới màu sắc khác. Thỉnh thoảng : Vui nhớ ghi sổ cho má, ông Tám Hưu thiếu thêm năm đồng, chú Năm ba bánh mới trả ba chục, còn thiếu mười lăm đồng. Trừ cho má một trăm mới mua đậu và một cà ròn than đước ở tiệm thím Xín…
Vẻ xum xoe bên em, dựa dựa cạ cạ vào chân má, giọng nhão nhoẹt khoe hôm nay trả bài Quan Sát được cô giáo cho chín điểm. Chị Châu chen vô nhờ con dò bài cho nó đó má. Má khen con má giỏi dữ a giữa hai chén cơm ăn vội, má nêm nếm lại lần chót hai nồi chè, bỏ thằng Lượm vào giường, vừa hôn hít chụt chụt vừa xổ mùng, tấn kĩ bốn bên. Thằng Lượm (và sau này đến lượt con Rớt, con Rơi, thằng Ghen, con Ghét) ọ ẹ thức giấc thì Má hắng giọng ru :
Ầu ơ… con thỏ giỡn trăng, sơn băng, thuỷ kiệt,
Ai ở hai lòng, nhựt nguyệt xét soi.
Tôi úp chén vào rỗ, tự hỏi sơn băng với thủy kiệt là cái gì. Ghê gớm, tội lỗi cực kỳ mà chỉ có nhật nguyệt xét soi thôi, thì cũng như không!.
Má ăn cơm uống nước vội vàng rồi quảy gánh chè ra đi. Má làm tôi chóng mặt. Má và gánh chè ra cửa, tôi chưa kịp ngoảnh lại, tiếng rao chè ...nước dừa đường cát...đã tan loãng ngoài đầu xóm.
Chị Châu sửa soạn đi học luyện thi trung học ở ngoài cầu Sơn. Vẻ làm bài xong, ra ngoài sàn nước súc miệng, ngửa mặt cho nước chảy rọt rọt qua cổ họng, ồn ào nhổ xuống sông. Rồi chụm hai tay đưa lên miệng làm loa ò í o í ò như Tarzan : anh Miên ứa ừ… anh Miên ơi, ngày mai đi Đại Đồng,… nhớ nghe. Rạp Đại Đồng. Quanh xóm ven sông cũng có những Tarzan con ò í o í ò đáp lại. Tôi phải rầy cho mấy tiếng, kí mấy cái cốc cốc vào cái đầu hớt cua tròn trĩnh như trái banh, anh nhỏ mới chịu lon ton chạy vào, nhảy tót lên giường. Thằng Thương giật mình lăn người ọ ẹ, bé Lượm khóc ré lên. Vẻ lính quính kêu chị ba, chị ba rồi ầu ơ… ngủ đi cưng, ngủ đi… ầu ơ…Tiếng khóc càng to, tôi phải chạy vào, tặng thêm một cái gõ không mấy dòn lên đầu Vẻ, rồi vỗ vỗ lưng Lượm, và bắt chước giọng rao chè của Má :
Ầu ơ…bắp non sao anh nướng lửa già…
Vẻ bật cười chị ba hát không giống má, dở quá, Má đâu có hát sao anh. Chị ba hát như má đi, hát xưa kia ngọc ở tay ta đi. Tôi giơ tay lên...thôi, ngủ đi! muốn tao đét đít hả, có giỏi thì hát nghe một mình !
Cái thằng sợ ma, chiều nào vừa nằm xuống, tay mân mê cái góc áo gối mà má tôi gọi là « cục ghiền của em » vừa năn nỉ chị ba vô nằm ầu ơ dỗ em bé. Mà hễ tôi cất giọng là nó cười khì khì. Mà nó giỏi ghê, bài bản nào của má nó cũng thuộc cho nên khi tôi chen vào bản « dịch » của tôi là cu cậu biết liền, cười khịt khịt trong cổ họng.
Ầu ơ…người ơi
người năm bảy lá gan, lá tươi lá héo
Mà sao tôi khúc ruột chín chiều, chiếu quéo chiều ngay
Chị ba hát kì quá, chị ba hát giống má đi. Tôi hét : nhắm mắt lại, nếu không chị liệng cục ghiền của em xuống sông à !
Ầu ơ…Vẻ ơi...Vẻ ăn cơm ba chén lưng lưng
Vẻ uống nước cầm chừng Vẻ để bụng thương em
Vẻ cười hi hi hài lòng. Cao chưa đầy một thước tây mà đã ưng nghe có mình nằm giữa những thảm kịch cuộc đời. Và tôi cũng ưng nghe tiếng cười em làm mềm mát tôi dưới mái tôn đổ lửa.
Ầu ơ đàn ông năm bảy lá gan
Lá ở với vợ lá toan cùng người
Chỉ môt lát, Vẻ lim dim, chân gác lên gối, Lượm mút tay chụt chụt, những ngón tay bụ bẫm đầy những đồng tiền. A, tôi quên rồi cái áo tay búp.

Khi má lay tôi: Vui, dậy, dậy ăn sáng rồi đi học, nghe con…Tôi nghe như mình chưa ngủ được giấc nào. Má quảy gánh đi về giữa những cơn mơ ngắn ngủi của tôi.
Không, hai cái nồi to đã được rửa sạch sẽ, treo gọn trên vách bếp. Má phân mỏng mớ than hồng, nhỏ lửa nồi cơm tấm. Xong bà xoay qua lấy nước cơm vừa chắt, hơi nóng nghi ngút che mặt, đổ vào mấy bình sữa rồi, rồi đó Châu ơi, trút thêm sữa Kim Cương vô đi con, tới vạch số 10, nghe con…Vui, sao nằm nướng hoài, dậy đi con, nghe…Vẻ ơi, dậy thay quần áo…nghe. Tôi hé mắt, lòng chùng lại khi nhìn thấy những hạt mồ hôi tròn tươm trên trán Má ; đôi chân tôi đẩy người tôi bật dậy. Tôi giật cục ghiền ném vào góc giường, Vẻ phụng phịu, đôi gò má bầu bầu đòi được chị hít thơm mấy cái.
Chị Hai ơi, cái quần em đâu…Vui ơi, hôm qua ủi đồ xong, em để áo dài chị chỗ nào…
Ở phòng bên, ba tôi đập tay, dậm chân rầm rầm xuống giưòng, lên vách ván gỗ mỏng :
  • Sáng sớm mà mẹ con nó reo hò như nhóm chợ ! Im coi… Chán cái nhà này ! Ngủ không yên được… 
Căn nhà sàn rung lên. Không còn một tiếng nói nào nữa. Cả em bé cũng không dám ơ a trò chuyện với má mỗi khi chờ bình sữa.
Tôi rón rén bò ra khỏi giường, trong bụng ngán ngẩm, không biết lúc nào nói được Má may cho con áo ngắn tay búp cổ lá sen nhe Má, mẹ Vi nói áo ngắn tay, tập thể dục cho gọn…

***

Xem xong danh sách thí sinh đậu đệ thất, Vi theo tôi về nhà, ăn xôi vò với cơm rượu Má đặc biệt làm cho hai đứa.
  • Sao bác Ba đoán trước được hai đứa mình sẽ đậu, hở Vui ?
  • Má vái ông địa, cúng chè đậu với chuối, chị Châu nói ông địa này dễ thương, hảo ngọt lắm. Má thì nói tại Má cúng hằng ngày nhưng ít khi cầu xin ông địa điều gì nên hễ cầu là được.
  • Ông địa ăn chè cho hai tụi mình đậu thật à ?
Vi cười cười nửa ngờ nửa tin.
Nhưng Vi quên ngay điều thắc mắc ấy vì sau này Vi còn nhiều câu hỏi khác. Vi chồm mình nhìn xuống nước :
  • Dưới sông có cá không hở Ngọc Anh ? Hôm nào mình câu chơi nha ?
  • Ngoại nói lạch con, nước sình dơ cá ở không được. Mai mốt theo ngoại về quê, tha hồ…
- Ngọc Anh nhớ nha, nhớ nha…mai kia dẫn Vi về quê…
Vi lại hỏi :
  • Sao bác Ba đặt tên em bé là Lượm ?
  • À, bữa nọ má gánh chè đi bán ngoài Sài Gòn, lượm được nó dưới gốc me !
Vi cười ngất, những ngón tay che miệng, những đồng tiền reo vui :
Một hai năm sau Vi hỏi lại :
- Dưới gốc me, sao lại gốc me ?
Hai năm sau nữa, Vi nghẻo đầu, cười cười :
  • Thật không Vui ?
  • Không cây me thì cây dầu. Thiệt mà ! Dưới gốc cây có bóng mát và Má hay ngồi bán dưới tàng cây cho đỡ nắng.
  • Thiệt ?!
  • Thiệt !
  • Má Ngọc Anh dễ thương quá !
  • Má nói đứa nào lúc còn nhỏ cũng dễ thương, ưa cười với Má nên Má thương quá, phải ẵm về nuôi.
  • Còn thằng Ghen?
  • Đúng dịp có đám dánh nhau ở xóm Bún, bà Hoạn Thư rượt cô Kiều, từ xóm trong ra xóm ngoài, chẳng rõ bà nào đã bỏ quên thằng nhỏ. Má thấy tội nghiệp má lại ẵm về nuôi !
  • Còn hai con bé Rơi, Rớt ?
  • Hôm ấy nhằm ngày dương oai của tướng Nguyễn Khánh, Vi nhớ không, mình được nghỉ học, súng bắn, xe tăng rầm rộ đe dọa chỉnh lý. Cả chợ chạy tán loạn, quẳng cả hàng họ, túi xách. Mấy bà đang ngồi ăn chè, ăn bánh cuốn, thấy thiên hạ nhốn nháo, cũng hùa chạy theo, đánh rơi cả con. Má trút xuống cống hai nồi chè, lót lá chuối rồi đặt mỗi đứa ngồi vào một bên, gánh về nhà : chiến lợi phẩm một ngày thành con một đời.
Vi le lưỡi không nói, hai mắt sáng long lanh. Đôi đồng tiền không ngừng xoáy hai lúm nhỏ dưới nụ cười môi đỏ. Tôi có thể nói láo lếu hàng giờ không mệt mỏi, không cạn đề tài. Tim đong đưa tôi dễ chịu xa gần theo giọng Vi gọi tên mình. Vui ơi ! Ngọc Anh à ! Tôi mơ hồ lẩn lộn. Vi ơi, chúng ta là ai và đang ở đâu.
Nên tôi quên khai với Vi rằng chị Châu phải lo nghiền cơm cho thằng Lượm, tôi phải súc rửa gấp đôi những bình sữa và Má sáng chế thêm những món mặn ngọt đổi thay hằng ngày, theo mùa, mười mấy giờ hành quân đôi ba lượt qua các đường phố quen thuộc. Thời khóa biểu buôn bán của má được thường xuyên chỉnh lí. Cuộc đời lại tiếp tục như không. Như cuộc đời.
Nhiều khi tôi thấy Vi ngập ngừng, suy nghĩ, nhưng rồi Vi chỉ bâng khuâng kết luận :
- Má Ngọc Anh hay quá.

Tôi thấy ba tôi cũng tài, chẳng nghe ông phiền hà gì chuyện nuôi con của Má. Đứa nào Má cũng cẩn thận đi làm khai sanh và bà ngoại đặt tên tự tên chữ đẹp đẽ cho từng đứa một. Đẹp lắm nên Má hay sợ quỷ ma ganh tị. Giấy tờ lương cảnh sát của ba với phụ cấp gia đình cũng thay đổi chút đỉnh. Ông chỉ đùng đùng nổi giận khi chúng khóc nhèo nhẹo lúc sốt mọc răng, và giành ăn hoặc tranh nhau hỏi, đáp mỗi khi Má đi bán về.
Bình thường, ai cũng khen má tôi nuôi con khéo, đứa nào cũng mập mạnh, cao lớn, da bánh mật dòn dã, tóc đen dày và dợn sóng.
Vi chỉ lưu ý một điều ngộ nghĩnh : cả đám chúng tôi, từ chị Châu cho đến Rơi, Rớt và Út Thiệt, đều giống ba tôi như in từ một khuôn.

Vi thường giành bình sữa đem vào buồng ba má cho Lượm (cho Ghen) bú. Vi hát véo von. Mỗi lần Vi đến, tôi nghe nhà mình khác hẳn đi, lạ lẫm và dễ thương thiệt. Nghe mình là người khác, là Ngọc Anh thật sự. Nghe chè, xôi ngọt bùi mùi vị mới ; sông nước, nhà sàn rộn ràng thở nhịp crescendo.
Một lần, chợt nghe Vi thét lên sợ hãi. Tôi chạy vào. Thằng Lượm nằm trên giường, một tay ôm bình sữa, một tay cố nắm lấy cán chiếc dao phay. Vi cắn những ngón tay mình ngăn tiếng kêu. Tôi chụp lấy con dao, đánh khẽ vào tay Lượm, thằng bé cười phì phì phun sữa.
  • Má Anh để dao...trấn ma Vi ạ!
  • Bác Ba cũng sợ ma sao? Giống mẹ Vi ghê... nhưng mẹ Vi để tượng Phật và tượng Chúa, mẹ không biết ma sợ dao phay. Vi cứ tưởng ma sợ tỏi với thánh giá!
  • Ma cà rồng mới sợ những thứ ấy, Vi ơi, ma Việt Nam chỉ sợ dao.
Vi hoàn hồn, giúp tôi lau mình, thay tả cho Lượm. Vi kêu :
  • Em thơm sữa ghê!
Lượm cười sặc sụa vì những nụ hôn. Vi cũng nằm lăn trên giường, hai đứa tranh nhau hôn em. Vi hôn cả lên tay tôi. Và tôi lên tóc Vi. Mùi sữa, mùi xà bông cadum, thơm mềm da em bé. Chúng tôi đã quên con dao nặng chịch, bén ngời nửa cạnh. Tôi không sợ và không thích dao phay. Má tôi cất dao ở đầu giường. Ba tôi cũng không thích; đã hai lần tôi phải nhảy xuống sông, lặn mò vớt lên. Chỉ vì nó, trong một cơn say, ông rút súng lục bắn đùng đùng mấy phát, nóc mùng của Má giờ còn ba bốn mụn vá tròn, trắng tinh.
***
Mỗi lần bà ngoại từ quê lên, Vi đến chơi thường hơn, chúng tôi và lũ nhỏ tha hồ hò hét, chạy giỡn: ba tôi y như rằng, phải trực, phải gác trong suốt mấy ngày đó. Ông sách túi áo quần, phóng honda đi mất. Mà Ngoại có nói chi đâu, Ngoại chỉ lẳng lặng lượm trấu, chậm rãi sàng vỏ đậu, nhỏ nhẹ sai khiến hay la rầy lũ nhỏ.
Bà vá áo đứa này, mạng quần đứa kia, hôn đứa này, hít đứa kia. Ngoại hỏi Vẻ tối nào cũng nhớ đốt nhang trên bàn thờ ông thiên chớ, hả con. Dạy chị Châu xào nếp gói bánh tét. Cạo vẩy cá, khứa, ướp, kho, chiên. Cắt cổ, vặt lông, luộc gà, chặt thịt vịt. Chị chăm chỉ, lập lại từng động tác.
  • Giỏi! cuốn chả giò hai đầu tròn như vậy mới phải đó con. Bánh ít, gói lá cho gọn, đều góc, dây quấn cho đẹp, đánh dấu nhưn dừa, nhưn đậu...
Rồi bà chắc lưỡi, tự mâu thuẫn:
  • Khéo cho nhiều rồi lại khổ như con gái mẹ của bây!
Tôi được tha vì Ngoại thấy tôi vụng về, ngớ ngẩn, lo ra, chẳng cách nào làm chín một nồi cơm tấm và vô phương gánh một gánh chè, gánh cơm tấm hay bất cứ một thứ đồ ăn lỉnh kỉnh nào đó, dù ngồi bán một chỗ hay lưu động. Im lìm hay rao lảnh lót. Tôi không muốn giống hệt Má. Không thể giống Má.
Bà Ngoại giống hệt Má. Vi chữa : phải nói Má giống Ngoại. Ừ, thì Má giống hệt Ngoại. Nhưng tôi sẽ không giống Má. Không đời nào. Chắn chắn Ngoại cũng không muốn tôi giống Má.
Khi chị Châu nhẫn nại ngồi đổ từng cái bánh bèo, Ngoại ngồi chải tóc cho Vi, Vi nũng nịu đòi Ngoại chỉ cách xếp lá chuối gói bánh ít. Chỉ Vi mới thích và say mê học Ngoại.
Ngoài việc giữ sổ sách, tôi chỉ phải nằm gãi lưng cho Vẻ, hát ru em và đọc Kiều với Lục Vân Tiên, Ngoại nói Vui ơi, đọc chữ quốc ngữ cho Ngoại nghe.
Vi hỏi : Ngoại ơi, dưỡng bất giáo, phụ chi quá, giáo bất nghiêm sư chi đoạ, tử bất học...phi... gì nữa hở ngoại...
Vẻ cướp lời, oang oang :
  • Để em nhắc chị Vi : tử con tôn cháu, lục sáu tam ba, gia nhà quốc nước, tiền trước hậu sau, ngưu trâu mã ngựa, khuyển chó, dương dê...
Vi cười :
  • Khó quá Ngoại ơi! Chừng nào học hết ba ngàn chữ thì con nói chuyện được với thím Xín phải không Ngoại? Tử bất học...
Tôi đáp :
- Nhỏ mà không học...
Má tôi thở ra :
  • Ráng học nghe tụi con. Nhỏ mà không học...
Tôi nháy mắt nói riêng với chị Châu :
  • ... lớn làm cảnh sát...
Chị lườm tôi, mặt sa sầm trách móc. Sau này tôi chỉ nói tiếp với Vi điều đó. Mắt Vi long lanh, trong suốt rất biểu đồng tình.
Má nói tiếp :
  • ...lớn biết làm gì ăn? Các con phải ráng học... Đừng thất học như má... dễ bị... đời...gạt gẩm...
Về sau, Vi hỏi :
  • Đời ở đây đặc biệt là ai, hở Vui ?

Tôi không hiểu sao Vi thích đến nhà tôi. Vi thỉnh thoảng gọi tôi bằng tên Vui hoặc Vi bắt chước Vẻ nhão giọng gọi chị Ba ơi, chị Ba à. Thiệt hả, chị Ba. Chị Ba " sương " em nhiều lắm phải không chị Ba. Nhà nhỏ chút xíu, bảy mươi mét vuông. Gian ngoài đã chật cứng với cái tủ thờ, bàn học cho mấy chị em, nhất là với bộ ván gõ quý của Ngoại rồi nào quang gánh, bàn bán cơm, những chiếc ghế thấp, nào cặp sách lũ tôi, nón lá, dép guốc…Hai buồng ngủ bên trong, một của ba má và bé Thương, trên giường, ban ngày treo võng cho bé Lượm, phòng ngủ thứ hai cho chị Châu, tôi và Vẻ. Những chiếc giường tre to đã chiếm phân nửa diện tích mỗi phòng, phần còn lại là rương, tủ quần áo, những lu, hũ gạo, đậu, đường...Vách ván cũng treo la liệt áo quần, đầu tủ chen chúc gói giấy gói nhựa. Ở phía sau, nhà bếp với chén đũa, dao muỗng, nồi ơ xoong chảo, thúng mủng, cái treo cái máng, than củi, thùng dầu lửa, tĩn nước mắm ; sàn nước, nhà tắm với những lu nước mưa, nước phông tên... Không còn chỗ đặt chân, phải nhìn ra con lạch nhỏ, tìm một chỗ dể phóng tầm mắt ... Sàn cây gập ghềnh, lạch cùn, sình nhiều hơn nước, rác nhiều hơn cá…
Mà Vi thích được à. Vi cười cười trả lời thích nhiều chứ. Nhà Vui...luôn luôn có chuyện... vui vẻ. Bác Ba đặt tên con hay dễ sợ. Đứa nào cũng có sự tích…hoang đường.
Trái lại, tôi thích nằm lên nền gạch bông nhà Vi. Căn nhà rộng bát ngát yên tĩnh, vườn cây êm ả, mát rượi, tất cả mát như cánh tay Vi. Thỉnh thoảng đến chơi nhằm giờ Vi phải tập violon, piano, tôi mê mẫn chìm trong những chuỗi âm thanh nỉ non trầm bỗng bay ra từ những ngón tròn mũm mĩm, vờn lượn vuốt ve sợi dây tơ, những phiếm ngà bóng loáng.
Vi trề môi, hai đồng tiền lúm sâu :
  • Ở nhà Vi, lúc nào Vi cũng phải học, học. Ở nhà Vi, Vi không biết nói chuyện với ai !
Ngày còn nhỏ tôi cứ nghĩ mình thương Vi vì Vi không có một bà ngoại, không có chị lẫn em, và bên Nội Vi cũng chẳng còn ai khác bà nội. Mà bà nội Vi khó khăn, xa lạ, hay nhìn tôi với vẻ khắc nghiệt và sửa giọng Vi mỗi lần Vi bắt chước tôi. Vi nói với bà : thật ư, thế thì, hay nhỉ …nghe thương quá mà đến nhà tôi Vi lại nói thiệt hả, phải hông...nghe kì ghê là kì.

Lần đầu thấy Vi, Ngoại kêu :
  • Con nhà ai ngộ quá ! Tóc đen mun. Con nhỏ thiệt ngộ, tốt tóc, tốt răng. Ngồi xuống, ngoại chải cho. Tóc này xức dầu dừa… thì phải biết…
Vi hỏi :
  • Ngoại ơi, thái vi là người hái rau, tại sao tường vi lại là hoa hồng nhỏ ? Vi Chi là bạn của ông Lý Bạch, còn sào nam chi ? Chị Châu là tại hà chi châu, còn Ngọc Anh là anh vũ châu…Sao ngoại đặt tên Ngọc Anh ở nhà là Vui ? Còn Vẻ, tên khai sanh là Anh Vũ, là tên chim hay tên đất, hôm nọ ngoại nói, con không ghi nên quên rồi…
Trong nhà chẳng đứa nào biết hỏi như Vi. Ngoại, nhân chứng cuối cùng của…ông cố một thầy đồ Nho kiêm lang vườn bất đắc chí, truyền vốn cho người con gái duy nhất, một trong những nổi buồn không tên của ông. Thơ Đường thuộc làu, bà múa bút lông biên toa thuốc Nam, thuốc Bắc, mà ngày đi khai sanh cho con, khi nhân viên sổ bộ làng cười cười « làm ơn viết chữ quốc ngữ !» bà chỉ biết cầm viết lá tre ký dấu thập vào sổ bộ. Dấu khai tử cho một cuộc đời mới chớm, cho nên số má tôi chẳng khá !

Ngoại, Má đều muốn con cháu học nhiều hơn ba nghìn chữ (quốc ngữ, chữ Pháp, chữ Anh vânvân) nhưng khi chị Châu ngỏ ý bỏ trường lớp, đi học nghề thơ kí đánh máy, má tôi thở dài đồng ý. Chị Châu nói con tiếp tục học Anh văn buổi tối, đi làm sở Mỹ mới khá, chứ Má muốn con cũng vác một nồi chè đi bán sao ?
Má vui vẻ bán chè, cơm tấm, bán bắp nhưng coi bộ má không muốn đứa nào nối nghiệp.
Sau đó, nhờ chị Châu đi làm sở Mỹ, mấy đứa nhỏ đi học về có cơm ăn và má tôi có đầy đủ vật liệu hoàn thành những tác phẩm làm ngọt những xóm nhỏ.
Bà Ngoại lo lắng căn dặn Má :
Đừng để cho nó đi bán « ba » nghe con…Giấy rách phải giữ lấy lề…Học cái gì cũng được, đừng học chữ Nho…
Ngoại lo quá xa, trên mấy trang báo kín những rao vặt, chúng tôi không tìm ra một ai (học) cần người dạy chữ Nho. Một năm, Ngoại chỉ lên chơi đôi ba lần…chẳng đứa cháu nào muốn học nghề của Ngoại.
Còn Vi, Vi bỏ học chữ Nho với Ngoại nhưng lén nhà đi học hát... Năm chị Châu thi thêm bằng proficency, làm sở Mỹ năm thứ ba thì gặp anh Michael.
Vi thi rớt Tú tài một, phải ra học trường tư. Khi má Vi biết chuyện thì Vi nổi tiếng như cồn. Tôi không còn đi đón Vi ở trường nữa.
Tôi hét Vi :
  • Tại sao bỗng dưng lại chui vào lò ấy ?
Vi kêu :
  • Có chỗ nào khác chỉ Vi đi !
  • Thằng cha bầu bì gì mà coi dê dễ sợ !
Vi nũng nịu :
  • Vui đừng lo, bà bầu còn dễ sợ hơn nữa.
  •  ?
  • Bả ôm bụng to như hình con ếch Vui vẽ trong bài tập đọc ngày xưa, hả, Vui quên rồi sao, thật ư ? Con ếch muốn to bằng con bò ấy, nhớ chưa. Ừ, bả ôm bụng đứng trong hậu trường và dẫn theo hai, ba đứa. Gặp ai cũng nhanh nhẩu giới thiệu giống ảnh ghê chưa. Vi chưa thấy ai dám lắc đầu nói không!
  •  ?
  • Mà không ai « dụ dỗ » Vi được đâu, má Vi theo giữ Vi kỹ lắm, thật mà.
Khi Vi còn trong dàn nhạc thính phòng thành phố, tôi thoáng thấy Vi qua vài chương trình nhạc cổ điển trên đài truyền hình.
Vi ngồi nghiêng đầu đàn vĩ cầm, áo dài trắng học trò, ngoan ngoãn, chìm lĩm giữa đoàn người im lìm ngay ngắn, những đào sáo trống cũng oai nghi đứng đắn.
Nhưng từ khi Vi hát và nhất là tự đệm, hát những bài thơ Vi phổ nhạc, tôi nghe Vi vuột khỏi vòng tay mẹ.
Trong chương trình những tài năng hôm nay, tôi sững người nhìn Vi nhí nhảnh trong chiếc áo thun trắng ngắn tay sọc xanh, mini jupe ngang đùi, ôm đàn nhí nhảnh tung tăng từng nhịp rock qua lại sân khấu. Đầu tóc ngắn nghiêng ngả đắm say theo nhịp đàn violon. Thỉnh thoảng, Vi buông đàn, chụp lấy micro. Giọng hát vui vẻ, nhí nhảnh, đôi lúc buồn bã, nghiêm trọng như khi John Lennon hát Imagine hay Give peace a chance.
Em đi qua chuyến đò
thấy con trăng đang nằm ngủ
Con sông là quán trọ
Và trăng tên lãng du
Giữa dòng nhạc dạo, Vi đặt micro xuống sàn, đến bên người đệm dương cầm, nghiêng mình đánh nhờ một đoạn. Tiếng vỗ tay rào rào che lấp nhịp đập tim tôi.
Tiếng ca bắt nguồn từ đất khô
từ mưa gió
từ vào trong đá khô
Và cả một trận động đất khi Vi vỗ tay bắt nhịp hát yellow submarine hay những bài tủ của The Shadow.
Một dạo phòng trà hay bị ném lựu đạn, bị đặt chất nổ; tôi nôn nao lo sợ, tối khi đốt nhang trên bàn thờ ông Thiên, tôi để thêm một chén chè, cầu xin ông… Địa cho Vi được bình an.
Sau trận Mậu Thân năm 1968, một hai lần Vi tìm đến nhà tôi, Vi không có nhiều thì giờ vì người ta đã chen chật ngõ chờ Vi ra xin chữ ký. Vi chớp chớp mắt cười cười khi tôi bảo Vi phải cẩn thận. Lần thứ hai Vi yên lặng suốt buổi, trước khi ra về Vi cho biết Bố Vi còn sống !
Vi hát lấy tiền giúp đồng bào tị nạn trong thành phố. Miên rủ tôi đi phân phát vải vóc mùng mền, dọn dẹp, giở, quét những căn nhà cháy đen ở Chợ Lớn, ở ngã ba hàng Xanh. Và tỏ tình bên này những đống gạch đá ngổn ngang. Bên kia, một bà già ngồi khóc lặng lẽ bên mớ nồi niêu cột kèo cháy đen, méo mó.
Nghe kể lại, Vi nhăn mũi:
  • Thằng cha quê một cục!
Và hỏi:
  • Vui có cảm động không ?
  • Phải loại ảnh hưởng ngoại cảnh, khi suy nghĩ trả lời, nhớ nghe ! Sao lâu ghê, không đến nhà Vi ?
Không đến Vi nên càng lúc nhớ Vi, càng lúc càng ghét ông bầu nhăn nhở của Vi, càng lúc càng nghi Vi xa vời, xa xôi, xa đến mất hút theo những tin Vi sắp đính hôn với tài tử này, kép hát nọ. Càng lúc càng giận Vi bởi dư luận đồn Vi là đào nhí của một lão tướng, là vợ bé của một người hùng Không quân hay sĩ quan Nhảy dù.
Một lần đến chơi, tôi chẳng đặng đừng nói mát :
  • Báo Lá Cải loan tin mẹ Vi sắp gả Vi cho đạo diễn Kỳ Lâm.
Vi nhìn sâu vào mắt tôi:
  • To bằng con vịt Hải Nam mà có đứa tin! Lão Kỳ Lâm ấy kỳ lắm vì đã ba vợ mười con !
  • Thằng cha cao lớn đẹp trai như Rock Hudson! Với đôi con mắt lim dim…
Vi bật cười đồng lõa :
  • Và nhất là đôi con mắt lim dim !
Phải rồi, xưa kia, một lần Vi hỏi Ngoại tại sao ngày xưa bà bằng lòng cho ba tôi cưới má tôi, bà lắc đầu :
  • Ngoại đâu có cho phép, má con Vui mê… lậm đó ! Ngoại không chịu vì coi tướng nó ngoại thấy không được, đàn ông gì mà…hai con mắt lim dim, liếc đàn bà con gái nhấp nháy…Thiệt y như rằng…
Y như rằng…Nhưng Má có lậm bùa đâu.
Từ sau em Vẻ, thằng Hên bị sốt xuất huyết mất năm lên hai, má tôi quyết định…ngưng đẻ con. Má nói con chết buồn quá, thôi để Má nghỉ đẻ.
Bà không sử dụng nửa sau quyển sổ nợ nữa. Trong sổ ấy, tôi có nhiệm vụ ghi nhiệt độ má mỗi sáng. Ogino coi bộ quá thanh nhã, không hiệu quả cho những…con mắt lim dim, những quả tim không…điều độ.
Con dao phay mài bén thay thế, dấu dưới đầu giường. Chưa bao giờ tôi tưởng tượng ra được mũi dao chĩa vào ai, mẹ hay con ? Đã hơn một lần, vì nó tôi đau đớn xấu hổ với Vi. Khi đó, tôi chưa tưởng tượng được rằng tôi sẽ còn có dịp đau đớn và xấu hổ hơn nữa.
***

Năm 70, chị Châu đưa anh Michael về nhà ra mắt. Má hoảng hồn. Nhưng anh chinh phục cả nhà bằng quà cáp và cung cách trân trọng với chị Châu. Má và ngoại hoàn toàn tin tưởng sau vài lần anh đến nhà ăn cơm.
Lần đầu chị Châu khóc lóc, năn nỉ :
  • Michael không nịnh đầm đâu má. Ở xứ sở văn minh, phụ nữ không còn là đầy tớ hoặc đồ chơi của đàn ông. Michael không biết giả bộ.
Bà ngoại nửa tin nửa ngờ. Ngoại không biết coi tướng người da trắng. Mắt anh Mai xanh quá một màu xanh không ghi trong sách cổ. Bàn tay anh to kềnh chằng chịt những đường đời đường tim rối rắm khác thường.
Mười năm sau chị hét vào tai ngoại, nhân một chuyến về quê, từ Mỹ băng ngang Bangkok, tới Sài gòn : với Michael, con không cần phải để dao đầu nằm, ngoại đừng lo. Ngoại ngơ ngác đôi tai không thấu rõ nguồn cơn, nhưng nụ cười với những chiếc răng to bản đen màu vôi trầu nói rằng ngoại hiểu. Sao thì sao, thấy chị vẫn trẻ đẹp, vui tươi, mập mạp và trắng ra, ngoại yên lòng.
Mười năm sau nữa, Vẻ từ Boston hẹn với tôi về Cali ăn Tết với chị Châu.
Hôm đầu tiên, Vẻ nằm dài lim dim bên hồ bơi. Tôi ngồi thòng chân dưới nước, ngắm em. Hàng mi rậm khiến mắt Vẻ nhắm mà như mở lim dim. Vẻ giống hệt ba khi còn trẻ.
Hôm qua Vẻ làm gì ? Hôm kia Vẻ đi đâu ? Năm ngoái, giờ này, Vẻ nhớ ai ? Từ bao giờ Vẻ không còn là em Vẻ khúc khích cười, nhão giọng đòi chị Ba ầu ơ cho em ngủ ?. Không, vẫn còn một chút ngày xưa đọng lại trong đôi mắt lim dim. Tôi giật mình, chị Châu đang tỉa dãy hàng rào khuynh diệp, ngắt những chiếc hoa đỏ ném liên tiếp vào tôi hấp háy đôi mắt hất mặt về phía Vẻ. Chị mỉm cười. Tôi lim dim đôi mắt, hấp háy mắt nhìn lại chị. Vẻ ngồi bật dậy, thắc mắc :
  • Em nhớ má không tin chuyện ma cỏ, dị đoan…Bỗng nhiên, một bữa má tuyên bố nhà mình có con ma hộ pháp…
Tôi bật cười, nhào xuống nước, chạy trốn trách nhiệm, bơi sang bên kia hồ, nhướng mắt nhìn chị Châu. Chị cười buồn :
  • Vòng xoắn của má đó, archaic but very efficient !
Tôi vuốt mặt, nghe như giọt nước mắt ngày ấy còn đọng trên má.
Vi và tôi hẳn nhớ rõ một bữa của thuở xưa đó, nguồn cơn của chuyện mài dao … dọa ma. Hôm ấy, để (bí mật) đãi cả nhà, mừng thi đậu bằng Trung học -cuối cùng của miền Nam thời ấy- Vi và tôi đã lang thang suốt buổi sáng ngoài chợ Sài gòn mua cam, táo, bánh hỏi, thịt quay…hì hục mang vác về. Cả hai kín tiếng, lẻn vào nhà lúc má tôi hí hoáy đãi vỏ đậu sau sàn nước.
Trong phòng hai đứa tôi soạn thức ăn lên mâm, sắp mang ra thì tiếng xe honda ba tôi về tới trước cửa.
Tiếng chân ông làm rung cả sàn cây. Em đâu rồi ? Bữa nay về sớm hả ? Mấy đứa nhỏ chưa về hả em? Rồi có tiếng cười cợt, tiếng thì thầm. Nghe! Nghe! Nữa! Thôi mà. Lời phản đối yết ớt của má tôi. Tiếng chân của cả hai vào phòng. Sao đó mọi chuyện xảy ra (như cơn ác mộng. Cho Vi). Chứ với tôi…không nhìn tôi cũng thấy được diễn tiến cuộc … tình. Gấp gáp, hối hả, tưởng như nếu không được thực hiện ngay lúc đó, người đàn ông (ba như một người đàn ông xa lạ) sẽ ngả vật ra chết.
Người đàn bà (má là người im lìm xa lạ) bị đẩy ngã nửa người xuống giường, đôi chân còn đứng trên sàn. Bàn tay gân guốc kềm đè trên lưng (như sợ) con mồi (xổng dậy).
Tiếng lích kích của đầu sợi dây nịt kim loại đánh vào thành giường sắt, gióng một, loạn đả cực kỳ. Rồi có tiếng những lò xo nghiến răng vì đến lượt ông lăn vật xuống giường, nhịp thở chậm lại, mệt mỏi và thỏa mãn. Ngôi nhà sàn lại yên như không. Má tôi trở ra sàn nước, qua chỗ buồng tắm, tiếng nước xối xả mơ hồ khỏa lấp tiếng thở dài. Tôi không dám nhìn Vi, nghiến răng đè nát những sợi bún nhão lên mặt bàn chi chít những vết mực. Tiếng lích kích lồng lộng vang vọng mãi cho đến bây giờ.
Vi không bao giờ nhắc đến chuyện chứng kiến ngày nọ.
Mươi, mười một, mười hai năm sau, thư cho tôi, Vi kể chuyện những gã đàn ông theo đuổi Vi. Trong khi họ biểu diễn những quyến rủ, uy quyền thời chiến, thời bình, Vi nói Vi nhìn họ như những con gà trống, trong sân sau chật hẹp, basse – cour tồi tàn riêng tư, giương mồng, ngẩng cổ, to giọng ò ó o, hiên ngang rượt vợ chạy bán sống bán chết, chưa hết vòng sân thì leo lên được lưng vợ, hùng hổ cắn cổ…Rồi trong khi gà mái ấp trứng (nấu xôi chè đem bán, ồ không, Vi muốn nói) và đào đất kiếm trùng nuôi con, gà trống lại uy vũ xòe cánh gáy, chạy vòng quanh một con gà tơ khác…Đừng hòng với Vi nghe. Lâu lắm, Vi tưởng bố Vi là người ngoại hạng. Bỏ nhà, rứt vợ con ra đi kháng chiến…Hơn hai mươi năm sau, ông về, đem theo một đàn em đến cho Vi…chia bớt nhà cửa. Mẹ buồn quá, đi tu rồi Vui ơi. Vui ạ, hai mươi năm qua, bố có mất thì giờ nghĩ đến mẹ như mẹ nghĩ đến bố đâu. Vi bắt chước Vui, hứa với mẹ : con sẽ không giống mẹ. Ô, vậy mà có “kẻ” còn nghi ngờ đấy Vui ạ!
Tôi vẫn tự hỏi về vai trò của ngày ấy mỗi lần nhớ Vi. Về tình yêu má tôi dành cho người đàn ông có đôi mắt “lim dim” chan chứa tình để ban phát mà về trách nhiệm thì thua xa Lạc Long Quân. Mà nghĩ cũng tội, thời ngụy, làm cảnh sát, lương không đủ nuôi (năm?) vợ, (mười?) con, đến thời cách mạng, kỷ nguyên mới, thời đại anh hùng vô địch, bách chiến bách thắng…ông cũng chỉ tài đến mức đánh fax xin tiền các con xa để bà phi cuối cùng nuôi các con gần.
Má tôi thở dài bênh vực: ba con là người yếu đuối, nhẹ dạ. Tội lỗi là do những con « yêu tinh ».
Tôi vẫn không hiểu Má, hồi xưa ít nhất là hai ba con yêu tinh đã lần lượt bồng con đến khóc lóc, kể lể. Chỉ độ vài giờ sau, tôi thấy hai nạn nhân (hoàng hậu và thứ phi/nàng hầu) ôm nhau lã chã dòng châu…Buông tay đầu hàng số phận. Trong khi đó, ở một nơi nhân gian (đàn bà) không thể hiểu, đôi mắt lim dim kia ngụy biện :

Bông sứ bông bụp bông lài
Tui đây bẻ hết, khỏi ai cằn nhằn

Tôi có thêm em để khuấy sữa và hát ru. Thấy Má vô cùng hữu lý vì em nào tôi cũng thấy thương quá trời quá đất.
Má tôi nói với Ngoại: bao nhiêu tui nuôi cũng được má à, coi như tui để phước cho con, chớ bỏ viện mồ côi tội nghiệp lắm.
Bà ngoại tôi, giống hệt Má (không, Má giống Ngoại, phải không Vi ?), nên cũng thương lũ cháu (không ruột rà). Chưa một lần tôi nghe bà than trách gì má tôi ngoài những tiếng thở dài, nhiều lắm thì chỉ nghe bà nói nựng đứa nào đó : con mắt lim dim cho nhiều, để khổ cho ai, phải không con ! Cho nên má mầy mới cầu để phước.
Để phước cho con! Con càng đông càng cần nhiều phước, biết vậy nên các bà phi ẵm tới hoài.
Tình yêu thuở ban đầu của Má cho ba chắc bao la như tấm lòng Má đối với những cô gái yếu dại và những đứa trẻ cùng (không) cha kia. Như khi dì Út Mỹ Tho, má của Thiệt, trở lại tìm má tôi lần thứ hai, năn nỉ khóc lóc giao bé Thương, dì là người duy nhất trở lại gặp Má hai lần, má tôi cũng sụt sùi nhận lãnh, lại móc túi cho dì nó mấy trăm đi xe đò về quê, lấy chồng, làm ăn đàng hoàng, không lấy tui buồn tui giận à nghen.
Không lấy chồng hay không lấy tiền ? Chắc là cả hai chuyện !
Tôi vẫn không hiểu Má và cũng không hiểu chính bọn tôi: đứa nào cũng yêu bé Thương lắm, dù bé đen thui như Mỹ đen ! Và ba tôi khi đó mới mạnh miệng sinh tử thề rằng Thương không phải là tác phẩm của ông, dù không ai tỏ vẻ thắc mắc.


***
Năm 72, chiến tranh dàn trải liệt kê chiến thắng và gãy đổ hằng ngày trên báo chí Sài gòn, nhưng tôi xem cốt ý chỉ theo dõi bước chân Vi.
Vi phổ nhạc thơ mình, Vi hát, Vi đóng phim. Tôi mất Vi thật rồi. Càng nổi tiếng, Vi càng bận.
Tôi ghé qua chia buồn với mẹ Vi hôm bà nội Vi mất. Vi đi vắng. Đôi mắt mẹ Vi nhìn tôi bớt góc cạnh nghiêm khắc, tôi còn thấy thấp thoáng một chút dịu dàng trong những ngón tay bà nấn ná trên vai tôi.
Tuần sau Vi nhắn tôi đến gấp.
Tôi dằng bàn tay Vi ra, những ngón tay mềm, móng đỏ, Vi đẹp dữ dội khi đôi mắt đen mở to giận dỗi, đôi đồng tiền xoáy sâu khi Vi nghiến răng, mím môi từng lời rời rạc:
  • Sao không đến nhà Vi nữa?
  • Vi có mặt ở nhà bao giờ đâu?
  • Khi Anh muốn Vi ở nhà là Vi có ở nhà!
  • Nghe nói tài tử Ngọc Tú rất mê Vi!
  • Đừng đánh trống lãng, lão ấy đã ba vợ, chín con.
  • Với Vi thì ai cũng lão, cũng lắm vợ, lắm con ! Vợ con thì đã sao ?
  • Thứ bảy đến Vi nghe, Vi chờ...Muốn mẹ Vi làm món gì đăc biệt cho Ngọc Anh?
Tôi muốn trở về mươi năm về trước, muốn nằm dưới nền gạch mát, chờ Vi rót quanh những giọt đàn ngào ngạt…
Thứ bảy, lọt qua được cổng sắt cao và kín, vào căn biệt thự đã được xây cất lại, những hàng cây ăn trái đã bị giết cho sống một hồ bơi dài rộng. Phòng khách to, bốn bề cửa kính, cửa lưới, chui qua được rồi tôi mới biết nhà đầy khách giai nhân, tài tử, nồng nặc những phấn son và những khuôn mặt của “ văn hoá nghệ thuật hôm nay”. Trong phòng riêng, Vi lộng lẫy trong chiếc robe nhung đen dài đến gót và hở cổ, hở lưng. Bờ vai tròn, gò ngực vung đầy, lõm lưng cong. Những đường kỷ hà tuyệt hảo. Tôi muốn giữ Vi lại thật lâu, tôi muốn đếm những xoáy đồng tiền, muốn miệt mài trên những đóa hoa tay, những uốn lượn mềm mại mời gọi. Tôi tham lam níu giữ nhưng tôi chắc rằng tôi sẽ mất Vi. Tôi đã mất Vi. Người ta không ngừng gõ cửa kêu gọi Vi nhập tiệc. Mẹ Vi hé cửa gọi, đôi mắt trở lại nghiêm khắc và trách móc, sau đó bà đã không ngừng theo đuổi tôi trên đường về. Tôi nhận ra ánh mắt ấy hơn một lần ở bà nội Vi.
Tưởng như bà còn quanh quẩn đâu đây.
Vi nhìn tôi:
  • Ngọc Anh đến chưa được mười phút!
  • Phải về thôi Vi…Danh ca kiêm tài tử Thanh Quang sắp đóng phim gì với Vi đấy?
  • À, còn đang điều đình với tác giả, ông đạo diễn muốn thay đoạn cuối…
  • Giống Clark Gable…quá há !
Vi nhăn mặt :
  • Vi đề nghị tài tử Ngọc Tú nhưng … Thanh Quang đang lên như diều, box office gần bằng...Steve Mc Queen. Ông ấy chỉ cần tỉa mỏng ria mép, châu đôi đầu chân mày sâu rọm là đủ trở thành Rhett Butler.
  • Thôi về...Vi nhé...
  • Sao không tin Vi ?
Vi dằng tay tôi giận dỗi, vượt qua tôi, vùng vằng ra chặn cửa, xoay lưng lại tôi. Nắng chiều rơi nhẹ xuống mái tóc hớt ngắn, chớm vàng chiếc gáy trắng muốt, thon dài, dài như nỗi nhớ bắt đầu từ cái nắm tay từ biệt. Nắng nhuộm vàng lớp lông tơ mịn nằm nghiêng trải mượt tấm lưng ngà. Năm năm, mười năm, hai mươi năm sau, những đường cong của buổi chiều vẫn dịu dàng làm mềm những đắng cay ương ngạnh của đời sống này.
***
Anh Michael xin cưới chị Châu. Chú rể Mỹ cao lớn, mập mạp, mặc áo dài coi chẳng giống ai. Vậy mà anh lạy bàn thờ tổ tiên, lạy bà ngoại coi thiện nghệ. Ba tôi càu nhàu nhưng từ hồi sau Tết Mậu Thân, ông không còn về nhà mỗi ngày. Con dao phay đã trở về giắt vách nhà bếp.
Năm sau nữa Rơi, Rớt về với mẹ ruột. Chị Châu giao hẹn Má chỉ nuôi Út Thiệt rồi thôi. Má hứa cho chị an lòng theo chồng về Mỹ. Trời thương chị nên sau đó chẳng còn bà bồ nào của ba mang con đến bắt vạ má tôi.
Vi hát trong các phòng trà lớn ở Sài gòn, trên đài truyền hình. Đẹp và xa vời, không thật như một giấc mơ. Mỗi lần nhìn Vi nghiêng đầu, những ngón tay thon bấm phím, bàn tay đưa nhẹ cần qua lại, rồi Vi hát, tôi rùng mình sởn ốc:
Rừng thu phơi những cành khô
Trăng về sau hè
Ngày thu xanh yếu làn da
Em nằm ốm chờ

Phải nhớ lại Vi nhỏ nhắn, tròn trịa như một búp hoa sen, tôi phải nhớ về Vi của những buổi tập thể dục, cố nhớ Vi véo von trong căn nhà rộng lớn, buồn rầu. Và thấy mình không còn nằm yên trên nền gạch bông mát lạnh.
Sau lần cứu trợ đồng bào chạy loạn từ Cao Miên về Sài gòn, Miên đem trầu cau đến nhà xin hỏi cưới tôi. Vẻ nhảy cà tưng vòi vĩnh : cho em đi theo chị ba nghen anh. Tôi ra điều kiện : Miên chờ cho đến khi nào Vẻ giữ em được cho Má đi bán hàng.
Đến nhà Vi, mẹ Vi cho biết Vi sang Nhật dự nhạc hội những nghệ sĩ Á Châu.
Ngày cưới tôi, Vi không hay. Nhưng nếu biết, Vi cũng không đến được vì Vi sang Pháp hát cho sinh viên, kiều bào ở bên ấy.
Những bài thơ Vi đã đưa tôi xem ngày xưa trở nên những bài hát top của một thành phần giới trẻ lúc bấy giờ :
Mẹ đi ra
ngỏ lối quanh co
lời rao buồn tẻ
Gánh đời thơm tho
đầy vơi lặng lẽ
tiếng hát con
bay vờn phố nhỏ
ghé lại
đôi vai thon
Có dịp là Vi về ghé thăm Má tôi, đưa tặng những tập nhạc, băng nhạc của Vi.
Má nói con đi đi, đừng lo, má dọn ra đầu xóm ngồi một chỗ, đỡ cực, mấy em về có má liền.
Tôi theo Miên như cái bóng. Miền đông, miền tây. Miên lủi thủi, lặng câm.
Vài năm sau, một dạo dài không được buôn bán linh tinh, Má viết thư kể chuyện hàng xóm đổi dời và Má ngồi nghe hàng giờ tiếng hát Vi.

***
Đầu tháng tư năm 75, chị Châu từ Mỹ gửi tiền, đưa người đến hối thúc, ngoại phải qua ở với chị. Bà ngoại nói Mỹ làm gì có trầu cau. Chị đánh điện đính chính có nhiều, ngoại ơi. Bà ngoại lại nói còn mồ mả ông ngoại, ông bà cố ? Cái này thì cả châu Mỹ, châu Âu cũng đành chào thua; không những không có sẵn, người sống cuống quít, đem nhau đi còn chưa xong, đố biết làm sao đem tổ tiên đi ?
Má nói bà ngoại ở lại, Má làm sao đi được. Chị Châu một hai quyết sẽ đích thân về rước gia đình. Má phải nói ừ. Nhưng đến ngày, giờ, và nơi hẹn lên đường, chỉ có tôi và gia đình Miên. Sáng sớm hôm trước, tôi tìm đến Vi.
Vi thì thầm:
  • Bố cho người đến nhắn, bố sắp về. Mẹ Vi cũng không muốn đi.
Vi ngồi sát bên tôi, cùng giở xem những tấm ảnh học trò, những bức hình sau này của Vi, Vi đẹp quá.
Những ngón tay trắng thon, móng đỏ. Vi đẹp từ ngón chân đến đầu ngọn tóc. Tôi đưa Vi chiếc túi nhỏ. Quà mọn cho Vi đó. Thôi về nghe. Khoan. Để Vi mặc thử áo đã chứ. Áo nịt Dior phải đi với dầu thơm Chanel chứ. Bồ lão của Vi đang cùng gia đình xa chạy, cao bay. Tối qua, chàng đến tống tiễn, dâng hiến đền bù cho Vi bao nhiêu là thứ…
Ừ thì thử, để nhớ nhau suốt đời nghe Vi. Thôi về nghe Vi.
Vi òa lên khóc. Vi ôm cứng vai tôi. Sao đi làm chi vậy Ngọc Anh? Bỏ Vi được sao?
Mẹ Vi gõ cửa hỏi thăm. Ngọc Anh ơi, Miên gọi về cháu ạ!
Vi nức nở: hứa với Vi không phải là Anh đi luôn đâu nhé… Phải trở về thăm Vi, nghe. Để Vi thương nhớ hoài là Vi sẽ chết đó. Vi nói thật đấy.
Ngực Vi tròn vun, vừa vặn, sóng sánh theo tiếng Vi cười dài át tiếng mẹ Vi đằng hắng sau cánh cửa.
Tôi rời căn nhà rộng, bỗng dưng linh cảm là lần cuối cùng còn thấy Vi. Bảo Miên về trước, suốt ngày ấy, tôi đi lang thang giữa những đoàn xe, người tất tả, trên môi còn thoảng vị mặn của nước mắt Vi, và mùi thơm của phấn, nước hoa. Năm năm, mười năm sau… mọi bất trắc, nguy nan, mọi cuộc vui trên đời này không ngang bằng, không khỏa lấp được những cơn đau thòng lọng thắt mở ở trong bụng, ngày lạ lùng thơm tho.
***
Mối dây liên lạc chỉ giữ được vài năm, dăm ba thư dài, đầy ắp những hoang mang xen lẫn với phấn khởi gượng gạo, bỗng dưng Vi ngưng. Vi cũng không buồn trả lời khi tôi thư báo tin tôi trả tự do cho Miên không bao lâu sau khi cả hai dọn từ Texas về Cali.
Má tôi viết thư nói đàn ông Việt Nam qua Mỹ lẽ ra phải thay đổi, thằng Miên kỳ quá hả con. Chắc nó mê con yêu tinh nào hả. À, Vi vẫn đi hát, nhưng sao má thấy Vi buồn quá con ơi…Ở bên này buồn quá, ai cũng đi tứ tán…buồn quá. Ngoại nhắc tụi con hoài. Ngoại biểu Má đi qua bển với tụi con.
Khi chị Châu li dị, Má tôi mới bằng lòng rời Việt Nam. Sao thằng Mai cồ kì cục vậy con, má tưởng chồng Mỹ khá hơn chồng Việt Nam chớ. Sao tụi con không dọn về ở cùng một chỗ cho có chị có em? Sao không đứa nào ở gần nhau hết trơn, lỡ khi tối lửa, tắt đèn...Chị Châu cười dài.
Má hỏi tại sao trăm con của Má tản lạc ra bốn phương.
Thế kỷ hai mươi mốt nên không (kịp) cần (được) mẹ cha chia nhau dẫn dắt lên núi hay xuống biển. Chỉ cần mẹ để vịn chống khi những cuộc tình tới hồi gãy đổ...
Rơi ở Sydney, Rớt ở Toronto, Thương và Thiệt đứa ở Pháp, đứa ở Bỉ. Ghen, Ghét và một vài đứa em đi hoài không thoát, phải ở lại diễn biến hòa bình. Ba tôi, từ trại cải tạo về năm 78, qua năm sau lần mò xuống Cần Thơ, toan tính vượt đại dương một mình. Mấy phen không xong, đành cưới một nàng hầu, sinh đâu được cũng năm mười quả trứng khác. May quá, Cần Thơ với Sài gòn cũng xa như chợ Mỹ (Tho) nên má không phải ấp/ nuôi đứa nào.
Má tôi sang đoàn tụ với chị em chúng tôi năm 1981.

***
Mười năm sau, tôi đưa Má tôi về Việt Nam thăm Ngoại.
Má nhẩm tính cho một trăm đô một nhà, mười nhà hết một ngàn. Nhà nào đông con thì hai trăm. Bà con xa một chút thì năm chục…
Bà ngoại đã hơn chín mươi, mắt đã mù, trí nhớ đôi lúc đã lẩn lộn nhưng giọng vẫn còn sang sảng
tại hà chi châu
yểu điệu thục nữ
quân tử hảo cầu
và ngạc nhiên :
  • Ủa Vui ở đây còn Vi ở đâu ? Sao lâu quá ngoại không thấy Vi tới thăm ? Con nhỏ thấy thương hết sức…
Bà nhắc đứa này, hỏi đứa kia, hết khóc lại cười. Nhớ lộn tùng phèo những tên tuổi con cháu và nơi chốn chúng ở.
Má tôi kêu mấy đứa cháu ra phân phát tiền bạc, sụt sùi dặn dò phải thương bà cố, săn sóc bà cố. Ngọt ngào nhờ những người anh, chị họ, bạn dì, con chú, con bác trông nom mồ mả ông bà, lo chuyện ăn uống thuốc men cho Ngoại.
Tôi lạnh lùng :
  • Ngoại còn sống, má tôi mới gửi tiền về.

Giao (kèo) hẹn mỗi tháng họ gửi sang má một tấm ảnh ngoại đeo RayBan đen, ngồi ghế, tay cầm tờ báo Tuổi Trẻ chủ nhật. Khi bà cười, khi bà mếu. Mỗi năm có chừng mươi, mười hai lần, má tôi khóc ròng một trận trước mặt con cháu ở Mỹ. Má vẫn biết Ray Ban hay vòng cẩm thạch của ngoại vẫn được lũ cháu ngoan thay thế bằng…các đồ mác…in China.
Chị Châu vẫn lén gửi tiền về cho ba tôi. Má tôi cằn nhằn lấy lệ nhưng tôi biết mỗi lần đứa con nào từ xa gọi điện thoại về thăm hỏi, bà đều dặn dò nhớ gửi tiền về cho ba con nghe, đừng quên nghe, công cha như núi Thái Sơn…Cho đến hết đời mình, tôi không thể hiểu Má. Tôi cũng không thể hiểu cuộc đời này, không hiểu thế giới này. Cái thế giới hỗn mang vô thường và không thật nữa kể từ ngày má tôi ngập ngừng : con ơi, má nói cái này, đừng buồn nghe con, số mạng hết trơn hà…Vi tự tử chết hồi năm một ngàn chín…Đừng buồn nghe con, Vi thương con lắm, Vi thương má, thương ngoại…Má nói hoài…ăn ở hiền lành, không ai hại được mình đâu…Vi không nghe…má nói đời này vô thường…người đời tàn ác, nói này nói nọ, nhưng ăn nhằm gì, phải biết chấp nhận số mạng… Tội nghiệp quá…má nói hoài Vi ơi, thương bác, thương Vui thì đừng nghĩ quẩn…

Phan Thị Trọng Tuyến
1997


Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire